Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

LÀM GIẢ HỒ SƠ BỆNH ÁN TÂM THẦN XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?


Người phạm tội được giám định mắc bệnh tâm thần sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Người phạm tội được giám định đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Dù vậy để được xem xét không phải nhận các trách nhiệm hình sự này, người mắc bệnh bắt buộc phải đi trưng cầu giám định theo quy định của pháp luật. Theo đó nếu được xác định là đang mắc bệnh tâm thần hoặc mất khả năng về nhận thức, điều khiển hành vi trong khi đang thực hiện hành vi phạm tội thì mới không phải chịu trách nhiệm hình sự và được đưa vào cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. 


Sau khi giám định nếu kết quả cho thấy người này hoàn toàn bình thường khi thực hiện hành vi phạm tội, sau đó mới bị tâm thần thì theo Bộ luật Hình sự 2015 người này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó không phải lúc nào được giám định là người tâm thần thì cũng có thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần sẽ bị xử lý ra sao?

Trường hợp 1: Người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần là người có chức vụ, quyền hạn (bác sĩ, giám định viên,..) thì hành vi của họ thuộc vào trường hợp phạm tội khi thi hành công vụ, nhiệm vụ. Theo đó, họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, trái công vụ được giao.

Hành vi này có thể cấu thành tội “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015. Tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi và thiệt hại gây ra mà người phạm tội sẽ bị áp dụng các khung hình phạt khác nhau, và có thể phải chịu phạt tù từ 10 - 15 năm. Ngoài ra, người thực hiện hành vi làm, cấp giấy tờ hoặc bệnh án tâm thần giả có thể phạm tội “Giả mạo trong công tác” theo Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất là 12 - 20 năm tù.

Trường hợp người đã nhận hoặc có hứa hẹn sẽ nhận được các lợi ích nào dù là vật chất hoặc phi vật chất để làm giả hồ sơ bệnh án thì việc làm giả này có dấu hiệu của tội “Nhận hối lộ (Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015), người đưa tiền có dấu hiệu của tội “Đưa hối lộ” (Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015). Tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi và các thiệt hại bị gây ra sẽ xác định được khung hình phạt mà người đó phải chịu. Mức hình phạt cao nhất mà người nhận hối lộ có thể phải gánh chịu đó là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.


Trường hợp 2: Người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần là người không có chức vụ, quyền hạn trong quá trình cấp hồ sơ bệnh án tâm thần, họ có thể bị xem xét theo tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015). Theo đó người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi và thiệt hại xảy ra mà có thể bị phạt tù lên đến 07 năm tù.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !