Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI BẰNG TRỌNG TÀI?



Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài là gì?

Theo Điều 317 Luật Thương mại, giải quyết tại trọng tài là một trong những hình thức giải quyết tranh chấp bên cạnh việc Thương lượng, Hòa giải và Giải quyết tại tòa án.

Mặt khác, theo khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại (TTTM) 2010, TTTM là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật TTTM 2010.

Các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài bao gồm: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài. (Điều 2 LTTM 2010)

Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được.

Trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án mà các bên không có thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP mà phát sinh tranh chấp thì tùy vào trường hợp các bên đã yêu cầu trọng tài giải quyết hay chưa để tòa án áp dụng các việc trả lại đơn kiện cho người khởi kiện, ra quyết định đình chỉ vụ án hoặc xem xét thụ lý theo thủ tục chung.

Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Theo Điều 5 LTTM 2010, “Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.”

Như vậy, việc các bên có thỏa thuận trọng tài để giải quyết tranh chấp là điều kiện cần để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, điều kiện đủ là tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài theo quy định tại Điều 2 LTTM 2010

Thỏa thuận trọng tài là gì?

Căn cứ khoản 2 Điều 3 LTTM 2010, Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.

Thỏa thuận trọng tài được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp đều có giá trị pháp lý như nhau.

Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Tuy nhiên thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản.

Thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.

Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.

Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Phán quyết trọng tài là chung thẩm.

Hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Hiện nay, theo quy định của Luật TTTM thì trọng tài thương mại tồn tại dưới hai hình thức cơ bản là trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế.

Sự khác nhau giữa hai hình thức này có thể được so sánh dựa vào các căn cứ sau:


Căn cứ so sánh

Trọng tài vụ việc

Trọng tài quy chế

Căn cứ giải thích từ ngữ

Khoản 7 Điều 3 LTTTM Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này và trình tự, thủ tục do các bên thoả thuận.

Khoản 6 Điều 3 LTTTM. Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật này và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó.

Đơn khởi kiện

Nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn

Nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài

Thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài

Nếu các bên không có thoả thuận khác, thì thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi Trung tâm trọng tài nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Ưu điểm

- Thủ tục trọng tài nhanh chóng, linh hoạt và mềm dẻo về mặt tố tụng. Các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp; phán quyết trọng tài là chung thẩm nên không phải mất thời gian và tiền bạc như khi trải qua nhiều cấp xét xử như ở toà án.

- Nguyên tắc xét xử không công khai giúp các chủ thể đảm bảo uy tín của mình trên thương trường.

- Trọng tài khi giải quyết tranh chấp nhân danh ý chí của các bên, không phụ thuộc vào quyền lực nhà nước. Cho phép sử dụng ngôn ngữ nước ngoài, áp dụng luật nước ngoài nên rất phù hợp để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Nhược điểm

  • Phán quyết trọng tài có thể bị yêu cầu tòa án xem xét lại hoặc hủy phán quyết

  • Việc thực thi quyết định trọng tài phụ thuộc vào ý thức tự nguyện và thiện chí hợp tác giữa các bên, không có tính cưỡng chế cao.

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !