Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI LÀ GÌ? ĐẶC ĐIỂM CỦA HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI?


1. Hợp đồng thương mại là gì?

Hợp đồng thương mại là khái niệm quen thuộc đối với nhiều người kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, pháp luật chưa có một khái niệm chính thức nào về nó. Luật Thương mại 2005 chỉ đưa ra định nghĩa về hoạt động thương mại tại Khoản 1 Điều 3 như sau: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”. Từ khái niệm này chúng ta có thể suy ra được hợp đồng thương mại là thỏa thuận giữa thương nhân với thương nhân, thương nhân với các bên liên quan nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong hoạt động thương mại.

2. Đặc điểm của hợp đồng thương mại?

Luật Thương mại 2005 đứng dưới góc độ là một luật riêng so với luật chung là BLDS 2015 nên hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự cũng có một số đặc điểm chung. Cả hai đều là những giao dịch thiết lập dựa trên sự tự nguyện, bình đẳng và thỏa thuận của các bên, đều hướng tới lợi ích chung và lợi ích của các bên tham gia giao kết hợp đồng, có một số điều khoản tương tự như điều khoản về chủ thể, đối tượng của hợp đồng, giá cả, quyền và nghĩa vụ của các bên, phương thức thực hiện, phương thức thanh toán, giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, hợp đồng thương mại cũng có những đặc điểm riêng biệt, cụ thể:

2.1. Chủ thể của hợp đồng:

Bên cạnh quy định chung về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự (Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015), đối với hợp đồng thương mại phải được ký kết và thực hiện bởi ít nhất một bên là thương nhân vì hoạt động thương mại là hoạt động giữa các thương nhân hoặc giữa thương nhân với các chủ thể khác. Theo quy định tại Điều 6 Luật thương mại 2005, “thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên, có đăng ký kinh doanh và có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm”.

2.2. Mục đích của hợp đồng:

Khác với mục đích của hợp đồng dân sự là sinh hoạt tiêu dùng, có thể sinh lợi hoặc không sinh lợi thì mục đích của hợp đồng thương mại rõ ràng là để đáp ứng, phục vụ cho mục đích hoạt động kinh doanh của bên chủ thể kinh doanh - sinh lợi. Trường hợp có chủ thể hợp đồng không nhằm mục đích lợi nhuận giao dịch với thương nhân thì hợp đồng đó vẫn được áp dụng Luật Thương mại nếu bên không nhằm mục đích sinh lợi lựa chọn áp dụng luật thương mại.

2.3. Hình thức hợp đồng:

Hợp đồng thương mại có thể xác lập bằng văn bản, bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể. Thông thường các hợp đồng thương mại được xác lập bằng văn bản để đảm bảo sự an toàn và dễ giải quyết khi xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên đối với những trường hợp bắt buộc như hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng dịch vụ khuyến mại, quảng cáo, hội chợ, triển lãm thương mại,... thì buộc các bên phải lập hợp đồng bằng hình thức văn bản. Ngoài ra, Luật thương mại 2005 cho phép các bên có thể thay thế hình thức văn bản bằng các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định pháp luật (Khoản 15 Điều 3).

2.4. Đối tượng của hợp đồng:

Đối tượng của hợp đồng thương mại có thể là hàng hóa hoặc dịch vụ. Vì hoạt động thương mại bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi nên đối tượng của nó không chỉ dừng lại ở hàng hoá hữu hình mà còn bao gồm các loại hình dịch vụ và các hoạt động sinh lợi khác, nhưng không được thuộc trường hợp bị cấm. Cụ thể, về hàng hóa, Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định:

“2. Hàng hóa bao gồm:

a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;

b) Những vật gắn liền với đất đai.”

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !