Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

ĐẶT CỌC VÀ TẠM ỨNG KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO TRONG HỢP ĐỒNG?

1. Khái niệm đặt cọc và tạm ứng trong thực hiện hợp đồng

 

- Đặt cọc 

 

Căn cứ theo Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: 

 

“Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác nhưng có định giá rõ là bao nhiêu tiền cụ thể (tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.”

 

Cũng tại Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thì đặt cọc ở đây chính là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Việc đặt cọc này thường thấy trong các giao dịch mua, bán, thuê tài sản giữa các bên, đặc biệt là đối với các loại hợp đồng mua, bán liên quan đến bất động sản, tài sản gắn liền với đất. Việc đặt cọc làm tăng trách nhiệm của các bên, đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận trước đó. Ngoài ra, trong trường hợp nếu có tranh chấp xảy ra giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, tài sản đặt cọc có thể được sử dụng để giải quyết tranh chấp và bù đắp thiệt hại.

 

- Tạm ứng

 

Không giống với đặt cọc là một trong các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ, tạm ứng không được quy định trong Bộ luật Dân sự. Pháp luật hiện hành không có quy định về việc "tạm ứng". Tuy nhiên, trong việc áp dụng thực tiễn thì có thể hiểu đơn giản, tạm ứng là việc bên có nghĩa vụ trả tiền tiến hành trả trước một khoản tiền cho bên có quyền. Điều này có thể hỗ trợ tài chính và cải thiện dòng tiền của bên nhận tạm ứng trong quá trình thực hiện hợp đồng.

 

Hiện nay, trong kế toán doanh nghiệp, cụ thể là tại Điều 22 Thông tư 200/2014/TT-BTC, Bộ Tài chính có đề xuất đến tài khoản 141 là tài khoản tạm ứng.

 

Trong đó, khoản tạm ứng được hiểu như sau:

 

“b) Khoản tạm ứng là một khoản tiền hoặc vật tư do doanh nghiệp giao cho người nhận tạm ứng để thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh hoặc giải quyết một công việc nào đó được phê duyệt. Người nhận tạm ứng phải là người lao động làm việc tại doanh nghiệp. Đối với người nhận tạm ứng thường xuyên (thuộc các bộ phận cung ứng vật tư, quản trị, hành chính) phải được Giám đốc chỉ định bằng văn bản.”

(theo điểm b khoản 1 Điều 22 Thông tư 200/2014/TT-BTC).

 

Theo đó, người nhận tạm ứng chỉ được sử dụng số tiền tạm ứng vào đúng mục đích và nội dung công việc đã được phê duyệt. Ngoài ra, trong các công ty, việc tạm ứng lương chắc cũng thường xảy ra. Do đó, người lao động có thể ứng và nhận trước một khoản tiền cố định để thực hiện các công việc cá nhân của mình. Đồng thời, người lao động và chủ sử dụng lao động sẽ thỏa thuận hình thức trả lại khoản tiền lương ứng trước đó. Có thể trừ vào lương tháng sau hoặc gộp vào các tháng để trả dần…

 

Như vậy, có thể thấy, tuy pháp luật không có quy định về tạm ứng nê tùy vào từng trường hợp cụ thể khác nhau, các bên sẽ thực hiện việc tạm ứng theo thỏa thuận.

 

2. Hệ quả pháp lý của đặt cọc và tạm ứng thực hiện hợp đồng

 

Từ khái niệm trên, ta có thể thấy đặt cọc và tạm ứng là khác nhau. Đặt cọc được dùng trong nhiều lĩnh vực còn tạm ứng được sử dụng thường xuyên trong hoạt động kế toán của các doanh nghiệp.

 

- Đặt cọc 

 

Đề cập đến khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự quy định về việc xử lý tài sản đặt cọc trong hợp đồng và các điều khoản liên quan được thể hiện qua nội dung dưới đây:

 

Trường hợp tài sản đặt cọc trong hợp đồng được giao kết và thực hiện:

 

+ Khi hợp đồng được giao kết và thực hiện đúng theo thỏa thuận, tài sản đặt cọc sẽ được trả lại cho bên đặt cọc.

 

+ Hoặc tài sản đặt cọc có thể được sử dụng để trừ vào việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền nếu có.

 

Trường hợp bên đặt cọc từ chối giao kết và thực hiện hợp đồng:

 

Nếu bên đặt cọc từ chối thực hiện hợp đồng, tài sản đặt cọc sẽ thuộc về bên nhận đặt cọc. Điều này là hợp lý, bởi vì bên đặt cọc đã từ chối thực hiện hợp đồng và không còn quyền giữ tài sản đặt cọc.

 

Trường hợp bên nhận đặt cọc từ chối giao kết và thực hiện hợp đồng:

 

+ Nếu bên nhận đặt cọc từ chối thực hiện hợp đồng, họ phải trả lại tài sản đặt cọc cho bên đặt cọc.

 

+ Ngoài việc trả lại tài sản đặt cọc, họ cũng phải trả một khoản tiền tương đương giá trị của tài sản đặt cọc, trừ khi có thỏa thuận khác trong hợp đồng.

 

Thoả thuận về phạt cọc:

 

+ Các bên có quyền thoả thuận về mức phạt cọc trong hợp đồng. Mức phạt này có thể gấp đôi hoặc nhiều lần giá trị tài sản đặt cọc.

 

+ Thỏa thuận về mức phạt cọc này phải được ghi rõ trong hợp đồng và sẽ được xem xét như một chế định phạt đối với việc vi phạm hợp đồng.

 

- Tạm ứng

 

Đề cập đến việc quy định hậu quả pháp lý trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ tạm ứng trong hợp đồng và sự khác biệt giữa việc đặt cọc và việc trả tiền trước cụ thể như sau:

 

Hậu quả khi có bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng: 

 

Khi một bên trong hợp đồng vi phạm nghĩa vụ của họ, điều kiện để hủy bỏ hợp đồng đã giao kết xuất hiện. Điều này có nghĩa rằng bên khác có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng và hậu quả của việc này sẽ được xác định.

 

Hoàn trả khoản tiền trả trước:

 

Khi hợp đồng bị hủy bỏ do vi phạm từ một bên, nguyên tắc là khoản tiền trả trước (hoặc tiền đặt cọc, nếu có) sẽ được hoàn trả lại cho bên đã trả tiền này. Điều này đồng nghĩa với việc bên vi phạm nghĩa vụ sẽ không được giữ lại khoản tiền này.

 

Lưu ý: Trường hợp một bên trong hợp đồng giao cho bên kia một khoản tiền mà các bên không xác định rõ là tiền đặt cọc hoặc tiền trả trước (tạm ứng) thì số tiền này được coi là tiền trả trước, theo quy định tại Điều 37 Nghị định 21/2021/NĐ-CP.

 

Như vậy, nhìn chung việc đặt cọc là một phần quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện hợp đồng, nhất là trong các giao dịch có giá trị tài sản lớn. Còn về tạm ứng là một hành động thanh toán trước một phần tiền trong giao dịch và việc tạm ứng này phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó mà các bên cần chọn hình thức đặt cọc hay tạm ứng để tránh những hậu quả pháp lý.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !