Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

PHẠM TỘI TRONG TRẠNG THÁI TINH THẦN BỊ KÍCH ĐỘNG MẠNH BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Thế nào là phạm tội ?

“Phạm tội” là hành động thực hiện tội phạm, nhưng có thể do người không có năng lực TNHS thực hiện và không bị coi là tội phạm. Trong đó theo quy định tại khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì tội phạm được quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý.”

Các dấu hiệu cơ bản của tội phạm trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh 

Thứ nhất, trạng thái tinh thần của người phạm tội lúc thực hiện hành vi phạm tội người là bị kích động mạnh 

Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động  đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.

Bởi vì trạng thái tâm lý của mỗi người khác nhau, cùng một sự việc nhưng người này xử sự khác người kia. Do đó, để xác định một người có bị kích động mạnh về tinh thần trong lúc phạm tội hay không là một vấn đề phức tạp, không có sẵn một chuẩn mực để "đo" tình trạng kích động mạnh hay chưa mạnh về tinh thần của con người. Điều này cần phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, xem xét một cách toàn diện các tình tiết của vụ án, nhân thân người phạm tội, quá trình diễn biến của sự việc, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, hoạt động xã hội, điều kiện sống, tính tình, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình, quan hệ giữa người phạm tội  với nạn nhân v.v... từ đó xác định mức độ bị kích động về tinh thần của người phạm tội.

Thứ hai, nạn nhân phải là người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng

Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân bao gồm những hành vi vi phạm pháp luật hình sự và cả những hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật khác như: luật dân sự, hôn nhân và gia đình,.. Việc xác định một hành vi trái pháp luật của nạn nhân đã tới mức nghiêm trọng hay chưa cũng phải đánh giá một cách toàn diện. Có hành vi chỉ xảy ra một lần đã là nghiêm trọng, nhưng cũng có hành vi nếu chỉ xảy ra một lần thì chưa nghiêm trọng, nhưng nó được lặp đi lặp lại nhiều lần thì lại thành nghiêm trọng.

Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó tuy làm cho người phạm tội bị kích động mạnh, nhưng nói chung có thể chưa đến mức là phạm tội. Trong trường hợp cá biệt hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân cấu thành tội phạm nhưng là tội phạm ít nghiêm trọng (như tội làm nhục người khác, tội vu khống) thì cũng được coi là giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh. Nếu hành vi trái pháp luật của nạn nhân rực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm, thì hành vi chống trả lại gây chết người có thể được xem là trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng 

Thứ ba, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội  bị kích động mạnh về tinh thần

Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với tinh thần bị kích động mạnh là mối quan hệ tất yếu nội tại có cái này thì ắt có cái kia. Không có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân thì không có tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội  và vì thế nếu người phạm tội  không bị kích động bởi hành vi trái pháp luật của người khác thì không thuộc trường hợp phạm tội này

Thứ tư, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với những người thân thích của người phạm tội

Những người thân thích là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân như: vợ đối với chồng; cha mẹ với con cái; anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ đối với nhau; ông bà nội ngoại đối với các cháu v.v...

Các trường hợp phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh cụ thể.

Hiện BLHS 2015 sửa đổi 2017 có quy định các trường hợp phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh bao gồm Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

  • Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh: Theo quy định Điều 125 BLHS, người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

  • Gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh: Theo quy định tại Điều 135 BLHS, Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người.

Ngoài ra, trong trường hợp người phạm tội bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra nhưng chưa tới mức mất khả năng tự chủ thì không gọi là bị kích động mạnh và không thuộc trường hợp phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Tuy nhiên người phạm tội sẽ được xem xét giảm nhẹ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 sửa đổi 2017 trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !