Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ?


1. Tranh chấp trong thương mại quốc tế ?

Tranh chấp thương mại quốc tế là hiện tượng đi cùng với sự gia tăng các luồng giao thương ở phạm vi toàn cầu. Tranh chấp này xuất hiện khi một nước cho rằng 1 nước khác đã vi phạm thoả thuận được ký kết. Những tranh chấp thương mại đưa ra giải quyết ở WTO xoay quanh 3 nội dung chính đó là những biện pháp chống bán phá giá, tự vệ và chống trợ cấp.

Điểm khác biệt giữa tranh chấp thương mại trong nước và tranh chấp thương mại quốc tế là tranh chấp thương mại quốc tế có “yếu tố nước ngoài”. Như vậy, tính chất quốc tế hay yếu tố nước ngoài của tranh chấp sẽ phụ thuộc vào một trong các yếu tố: (i) Chủ thể tham gia hợp đồng; (ii) Sự kiện pháp lý diễn ra ở nước ngoài; (iii) Đối tượng của hợp đồng ở nước ngoài. 

Mặt khác, vì đây là mối quan hệ có yếu tố nước ngoài nên tại một số trường hợp được pháp luật quy định các bên có thể chọn luật áp dụng, tập quán quốc tế, ngôn ngữ và người tiến hành thủ tục trong trường hợp sử dụng phương pháp hòa giải và trọng tài.

2. Các loại tranh chấp trong thương mại quốc tế

Các loại tranh chấp trong thương mại quốc tế bao gồm:

- Tranh chấp diễn ra giữa các thương nhân, chủ thể tham gia kinh doanh, cụ thể là những tranh chấp phát sinh trong quá trình các thương nhân thực hiện các hoạt động thương mại nhằm mục đích lợi nhuận. 

- Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với quốc gia tiếp nhận đầu tư: Loại hình tranh chấp này nảy sinh trong việc thực hiện các hợp đồng BTO, BT, BOT, thực hiện các điều ước quốc tế khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương và đa phương…

- Tranh chấp giữa các quốc gia trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về thương mại song phương và đa phương; tranh chấp giữa các quốc gia với các thiết chế kinh tế quốc tế trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về thương mại đa phương. 

3. Giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế?

Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế gồm những hình thức phổ biến như sau và tùy thuộc vào sự lựa chọn của các bên: 

- Thương lượng giữa các bên;

- Hòa giải;

- Trọng tài thương mại;

- Tòa án.

3.1. Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng thương lượng

Thương lượng là phương thức giải quyết thường được áp dụng trong giải quyết tranh chấp quốc tế, đó là việc các bên đương sự cùng trao đổi, thỏa thuận giải quyết tranh chấp. Kết quả của cuộc thương lượng là tranh chấp có thể giải quyết hoặc không. Thương lượng được tiến hành bằng hai cách: Hai bên trực tiếp gặp nhau đề bàn bạc, thỏa thuận hoặc một bên gửi đơn khiếu nại cho bên kia và bên kia trả lời đơn khiếu nại.

Đây tuy là phương pháp tối ưu, ít tốn kém. Tuy nhiên, để thực hiện được phương pháp này các bên cần có nhiều kinh nghiệm và các kỹ thuật trao đổi thông tin của các bên cần phải được diễn ra nhanh chóng để có thể lắng nghe, xử lý các biến cố và hạn chế rủi ro. Từ đó tạo tiền đề để cuộc thương lượng diễn ra thành công.

3.2. Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng hòa giải

Là phương thức giải quyết tranh chấp giữa các bên đương sự thông qua vai trò của người thứ ba. Hòa giải có thể tiến thành bằng hai cách: Một là các bên tự thỏa thuận với nhau về hòa giải, cùng chỉ định hòa giải viên và tiến hành hòa giải mà không bắt buộc phải tuân theo một quy tắc hòa giải nào hết. Hai là các bên thỏa thuận hòa giải theo một quy tắc tố tụng của một tổ chức nghề nghiệp hay một tổ chức trọng tài nào đó, chẳng hạn như quy tắc hòa giải của Phòng thương mại quốc tế (ICC).

Nguyên tắc của hòa giải là tôn trọng sự thỏa thuận của hai bên, hòa giải viên chỉ đóng vai trò hỗ trợ, hoàn toàn không có quyền can thiệp vào ý chí của các bên; các bên cần có thỏa thuận hòa giải trước khi tiến hành thủ tục nàyƯu điểm lớn nhất của phương pháp này là giữ được mối quan hệ kinh doanh của các bên sau khi tranh chấp. Đây là yếu tố rất quan trọng, bởi lẽ thiên chức của các nhà kinh doanh là tìm kiếm lợi nhuận chứ không phải giải quyết xung đột. Ngoài ra, đây còn là phương pháp tối ưu khi hòa giải viên là người có nhiều kinh nghiệm về kinh doanh, lẫn pháp lý có thể giúp các bên “phá băng” tìm ra điểm chung trong các giải pháp được đưa ra.

3.3. Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài thương mại

Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại được các bên thỏa thuận và được tiến hành theo trình tự, thủ tục tố tụng. 

Các bên có thể thỏa thuận việc xử lý vụ việc tại Trọng tài quốc tế tại Việt Nam hoặc của nước ngoài (thường thấy nhất là Trung tâm trọng tài quốc tế SIAC ở Singapore). Điều này tùy thuộc vào nhu cầu, ngôn ngữ, sử dụng pháp luật nội dụng, pháp luật tố tụng và sự tín nhiệm đối với trọng tài viên của các bên.

Tuy rằng, bên cạnh các ưu điểm như nhanh chóng, bảo mật và các bên có thể đóng vai trò chủ động thì mặt chi phí, địa điểm xét xử, luật áp dụng và trọng tài viên tiến hành vụ việc cũng có thể mang tính quốc tế. Vì vậy, việc xử lý vụ việc bằng trọng tài thương mại phải được các bên thống nhất trước và trong khi giải quyết vụ việc. Nếu không sẽ xảy ra hiệu ứng ngược, các bên sẽ phải xảy ra thêm một tranh chấp khi giải quyết vụ việc, đó là tranh chấp về cơ quan giải quyết vụ việc.

Trong trường hợp các bên lựa chọn trọng tài ở nước ngoài giải quyết vụ án thì sau đó các bên cần thực hiện thêm thủ tục đó là yêu cầu tòa án công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài. Vì cơ quan xét xử tại Việt Nam cần có thông tin vụ việc để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các bên.


3.4. Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng Tòa án

Một vụ việc có yếu tố nước ngoài có thể thuộc phạm vi điều chỉnh của 02 hệ thống pháp luật khác nhau. Thuật ngữ dùng cho hiện tiện này là “xung đột pháp luật”. Theo đó, một vụ việc có thể thuộc thẩm quyển xét xử của 02 hoặc nhiều hệ thống xét xử quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, những vụ việc thuộc thẩm quyền riêng của tòa án Việt Nam (Điều 470 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015) chỉ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam nếu được tòa án Việt Nam giải quyết. Ngược lại, những vụ việc thuộc thẩm quyền chung (Điều 469 Bộ Luật Dân sự năm 2015) có thể được tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành.

Đây là hình thức giải quyết mang tính cưỡng chế cao nhất, được tiến hành thông qua hoạt động của cơ quan tài phán. Bản án, quyết định của Tòa án được đảm bảo thi hành theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án có thể ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo thi hành án như kê biên tài sản đang tranh chấp, phong tỏa tài khoản ngân hàng,…Đương sự có thể tiến hành kháng cáo, yêu cầu xét xử lại nếu thấy phán quyết của Tòa không thỏa đáng.

Trường hợp, vụ việc đã được tòa án nước ngoài xử lý thì khi có nhu cầu công nhận và thi hành bản án tại Việt Nam các bên cần phải thực hiện thêm thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án có hiệu lực pháp luật của nước ngoài Việt Nam. Tuy nhiên, các bên vẫn có quyền phản đối quyết định của tòa án nước ngoài; tòa án Việt Nam có quyền không công nhận và cho thi hành bản án tại Việt Nam. Thế nên, các bên cần cân nhắc lựa chọn tòa án giải quyết vụ việc sau khi xem xét các yếu tố về hợp đồng, thực hiện hợp đồng.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !