Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

THÔI QUỐC TỊCH VIỆT NAM MẤT BAO LÂU? TRÌNH TỰ THẾ NÀO?

1) Khái niệm quốc tịch Việt Nam 


Theo quy định tại Điều 1 Luật Quốc tịch 2008 quy định về quốc tịch Việt Nam như sau:


“Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam”. 

 

Từ đó, thôi quốc tịch được hiểu là một quá trình pháp lý quan trọng, đánh dấu sự thay đổi về quốc tịch của một cá nhân. Thôi quốc tịch Việt Nam là việc từ bỏ quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, người xin thôi quốc tịch phải trải qua trình tự, thủ tục theo luật định.


2) Điều kiện để được thôi quốc tịch Việt Nam


Tại khoản 1 Điều 27 Luật Quốc tịch 2008 quy định về căn cứ thôi quốc tịch Việt Nam như sau:


“Công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam”. 

 

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam đều được giải quyết cho thôi quốc tịch bởi những trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 27      Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 dưới đây quy định chưa được thôi quốc tịch Việt Nam gồm:


- Người đang còn nợ thuế với Nhà nước ví dụ như đang nợ tiền thuế đất… khi có văn bản của cơ quan thuế, cá nhân, tổ chức là chủ nợ hợp pháp về việc người này còn nợ thuế, tiền, tài sản trong quá trình thụ lý, xem xét giải quyết hồ sơ.


- Người đang có nghĩa vụ tài sản với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam như nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ cấp dưỡng…


- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành theo bản án, quyết định của Tòa án Việt Nam, đang bị tạm giam để chờ thi hành án hoặc đang chấp hành biện pháp xử phạt hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng…


- Khi việc thôi quốc tịch Việt Nam có thể làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.


- Cán bộ, công chức và người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang gồm quân đội Việt Nam, công an Việt Nam.


3) Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam 


Theo quy định tại Điều 28 Luật Quốc tịch 2008 quy định về hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam như sau:


Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam bao gồm:


- Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam;


- Bản khai lý lịch;

- Bản sao Hộ chiếu Việt Nam, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác quy định tại Điều 11 của Luật này;


- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;


- Giấy tờ xác nhận về việc người đó đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này;


- Giấy xác nhận không nợ thuế do Cục thuế nơi người xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú cấp;


- Đối với người trước đây là cán bộ, công chức, viên chức hoặc phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu, thôi việc, bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên chưa quá 5 năm thì còn phải nộp giấy của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã ra quyết định cho nghỉ hưu, cho thôi việc, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.


- Trường hợp công dân Việt Nam không thường trú ở trong nước thì không phải nộp các giấy tờ quy định tại các điểm d, e và g khoản 1 Điều này.


4) Thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam


Trình tự, thủ tục và thời gian thôi quốc tịch Việt Nam được quy định tại Điều 29 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 và hướng dẫn chi tiết tại Điều 20 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP của Chính phủ. 


Cụ thể, thôi quốc tịch Việt Nam sẽ trải qua các bước với thời gian 75 ngày tương ứng với các bước sau đây:


Bước 1: Nộp hồ sơ

Người xin thôi quốc tịch Việt Nam nộp đầy đủ hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi cư trú (nếu hiện tại đang cư trú ở trong nước) hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (nếu hiện tại đang cư trú ở nước ngoài).


Bước 2: Đăng thông báo

Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ:

         

- Nếu người yêu cầu cư trú trong nước: Sở Tư pháp đăng thông báo 03 số liên tiếp về việc xin thôi quốc tịch trên một tờ báo viết hoặc báo điện tử của địa phương và gửi đăng trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.


- Nếu người yêu cầu cư trú ở nước ngoài: Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đăng thông báo trên trang thông tin điện tử của mình về việc thôi quốc tịch Việt Nam của người yêu cầu.


Lưu ý: Thời gian lưu giữ thông báo trên trang thông tin điện tử phải kéo dài ít nhất 30 ngày kể từ ngày đăng báo.


Bước 3: Xác minh


           Với công dân cư trú trong nước


Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, bên cạnh việc đăng công báo, Sở Tư pháp sẽ thực hiện việc xác minh thông tin thông qua gửi văn bản đề nghị cơ quan công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của người xin thôi quốc tịch Việt Nam.


Việc xác minh này sẽ có kết quả trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày công an cấp tỉnh nhận được đề nghị của Sở Tư pháp.


Đồng thời, trong thời gian chờ xác minh, Sở Tư pháp cũng sẽ tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam của người yêu cầu.


Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp hoàn tất hồ sơ để trình lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.


Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.


Như vậy, thời gian xác minh và đề xuất ý kiến cho Bộ Tư pháp kéo dài khoảng 15 ngày làm việc.

           

           Với công dân cư trú ở nước ngoài


Việc xác minh, thẩm tra hồ sơ sẽ thực hiện trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhận được đủ hồ sơ hợp lệ. Sau đó, cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất về việc xin thôi quốc tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Bộ Tư pháp.


Lưu ý: Nếu cần thiết, Bộ Tư pháp có thể đề nghị Bộ Công an xác minh nhân thân người đề nghị xin thôi quốc tịch.


Bước 4: Trình Chủ tịch nước


Công việc này sẽ do Bộ Tư pháp thực hiện trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc từ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.


Bộ Tư pháp kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy đủ điều kiện thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.


Bước 5: Ra quyết định


Chủ tịch nước xem xét quyết định trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.


Như vậy, tổng cộng thời gian giải quyết thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam là khoảng 75 ngày làm việc.


Việc thôi quốc tịch không chỉ là một quyết định cá nhân mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi và trách nhiệm của người đó trong tương lai. Điều này đặc biệt quan trọng khi liên quan đến việc nhập quốc tịch nước ngoài và quyền hưởng các đặc quyền từ phía Nhà nước. Do vậy, việc tìm hiểu về trình tự thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam là vấn đề quan trọng và cần thiết cho mọi người nói chung và các cá nhân có nhu cầu xin thôi quốc tịch Việt Nam nói riêng.

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !