Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

XÚC PHẠM DANH DỰ BẠN HỌC CÓ PHẢI LÀ HÀNH VI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG? CÓ THỂ XỬ PHẠT HÌNH SỰ KHÔNG?

1. Xúc phạm danh dự nhân phẩm bạn học có phải là hành vi bạo lực học đường?

Về nguyên tắc, việc xúc phạm danh dự nhân phẩm bạn học được xem là hành vi bạo lực học đường. Bởi lẽ, trường học (môi trường giáo dục) là nơi hội tụ là tất cả các điều kiện về vật chất và tinh thần có ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục, học tập, rèn luyện và phát triển của người học nên cần phải có sự lành mạnh, an toàn và thân thiện đối với người học. Khái niệm về bạo lực học đường được quy định tại Khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP như sau:

“5. Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập”.

2. Xúc phạm danh dự nhân phẩm bạn học có thể bị xử phạt hình sự không?

Theo hành lang pháp lý hiện nay, việc xúc phạm danh dự nhân phẩm bạn học có thể bị xử phạt hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:

“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát”.

Tuy nhiên, trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu xúc phạm danh dự nhân phẩm bạn học sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác. Cụ thể, theo Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:

“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.

3. Người trên 16 tuổi nhưng dưới 18 tuổi có hành vi bạo lực học đường có thể bị xử phạt hình sự không?

Theo quy định trên thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Bên cạnh đó, nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)  như sau:

“3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

4. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

6. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”.

Đối với trường hợp xử phạt tù có thời hạn, Tòa án sẽ cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Cụ thể theo Khoản 1 Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:

“1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !