Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ?

1. Quy định của pháp luật về hợp đồng cung ứng dịch vụ.

Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Một số dịch vụ phổ biến mà các bên có thể thỏa thuận để cung cấp bằng hợp đồng như: dịch vụ vận chuyển, dịch vụ quảng cáo, dịch vụ kế toán,…hoặc các công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội

CSPL: Điều 513, Điều 514 Bộ luật Dân sự 2015

Bên sử dụng dịch vụ cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi và trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận. Bên cung ứng dịch vụ phải đảm bảo việc giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định.

CSPL: Điều 515, Điều 517 BLDS 2015


2. Tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ?

Tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ là những quan điểm mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận trong nội dung hợp đồng. Mâu thuẫn có thể xuất phát từ cách hiểu sai ngôn từ giữa 2 bên, cách đánh giá hành vi vi phạm, cách thức giải quyết hậu quả phát sinh, …

Việc xảy ra các tranh chấp hợp đồng dịch vụ khi một trong hai bên không thực hiện đúng theo hợp đồng. Thông thường có một số trường hợp dẫn đến tranh chấp hợp đồng dịch vụ:

  • Do bên sử dụng dịch vụ thanh toán chậm hoặc không thanh toán chi phí dịch vụ như đã thỏa thuận.

  • Do bên cung ứng dịch vụ không đảm bảo cung ứng dịch vụ theo như cam kết trong hợp đồng;

  • Do có sự vi phạm nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng;

  • Do có bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trái pháp luật; …

3. Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ

3.1. Giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua thương lượng

Đây là phương thức tự định đoạt để giải quyết, không có sự tham gia của bất kì bên thứ ba nào. Pháp luật cũng không có quy định về tiến hành thương lượng. Việc giải quyết hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên.

Ưu điểm của phương thức này là tiết kiệm chi phí, không đòi hỏi các thủ tục phức tạp. Nếu thương lượng thành thì còn có thể duy trì mối quan hệ hợp tác.

Về nhược điểm, việc thực hiện kết quả giải quyết phụ thuộc hoàn toàn vào các bên nên xảy ra các tình trạng trì hoãn thực hiện nghĩa vụ, dẫn đến hết thời hiệu khởi kiện tại Tòa án

3.2. Giải quyết thông qua hòa giải

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và có phần tương tự với phương thức thương lượng. Tuy nhiên, đối với phương thức này, việc thỏa thuận có sự hướng dẫn của hòa giải viên trong vai trò trung gian hỗ trợ giải quyết tranh chấp.

Trình tự thủ tục giải quyết theo phương thức hòa giải tại trung tâm sẽ được thực hiện theo Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại.

Ưu điểm của hòa giải là không gò bó, tiết kiệm về mặt chi phí, thời gian và các thông tin liên quan được giữ bí mật.

Nhược điểm của hòa giải là quyết định của hòa giải viên không có giá trị ràng buộc nên vẫn có trường hợp trì hoãn thực hiện nghĩa vụ dẫn đến hết thời hiệu khởi kiện tại Tòa án.

3.3. Giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài thương mại

Phương thức này chỉ có thể tiến hành đối với những hợp đồng liên quan đến thương mại. Theo đó, tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua Trọng tài viên. Các bên có thể lựa chọn tìm kiếm trọng tài bằng các tiêu chí được quy định hoặc thông qua Trung tâm Trọng tài. Viac, Tracent, Stac là những trung tâm trọng tài có danh tiếng cao tại Việt Nam.

Ưu điểm khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là thông tin được bảo mật, phán quyết của trọng tài được công nhận và thi hành trên 150 quốc gia. Tiện lợi về mặt thời gian khi các bên được tự do thỏa thuận thời gian, địa điểm, ngôn ngữ, luật áp dụng giải quyết.

Về nhược điểm của phương thức này là chi phí cao hơn khi giải quyết bằng Tòa án, việc hủy phán quyết của Tòa án tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí.

3.4. Giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng Tòa án

Đây được xem là phương thức giải quyết nhân danh quyền lực nhà nước, được đảm bảo thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt. Theo đó, việc quyết định Hội đồng xét xử sẽ do Tòa án toàn quyền xử lý. Tranh chấp được giải quyết qua 2 cấp xét xử là Sơ thẩm và Phúc thẩm trong trường hợp có kháng cáo. Phán quyết của Tòa án phúc thẩm là phán quyết cuối cùng và có hiệu lực thi hành.

Ưu điểm khi giải quyết tranh chấp bằng Tòa án đó chính là khi bản án, quyết định Tòa án ban hành được đảm bảo thi hành, có thể kháng cáo nếu đương sự không đồng tình với bản án, quyết định giải quyết của Thẩm phán.

Nhược điểm là tốn thời gian và chi phí do tồn tại nhiều thủ tục tố tụng phức tạp, thiếu linh hoạt. Việc xét xử phải công khai khiến những bí mật kinh doanh bị tiết lộ, uy tín doanh nghiệp bị thụt giảm.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !