Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

NGƯỜI MẮC BỆNH TÂM THẦN PHẠM TỘI CÓ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ?

1. Người tâm thần được hiểu như thế nào?
Người tâm thần được hiểu là những người bị mắc bệnh lý do rối loạn hoạt động não bộ gây ra những biến đổi bất thường về lời nói, tác phong, tình cảm, hành vi, lý tưởng,… từ đó dẫn đến mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Và khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội sẽ không thể nhận thức được hành vi của mình có nguy hiểm ra sao và gây ra những hậu quả nghiêm trọng như thế nào, tức là không thể kiểm soát hay điều khiển hành vi như những đối tượng bình thường.
2. Căn cứ, cơ sở để xác định người bị tâm thần hay không?
Căn cứ vào Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định trong đó có trường hợp:
- Yêu cầu trưng cầu giám định tinh thần tâm thần của người bị buộc tội nếu như có dấu hiệu nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của đối tượng đó.
- Khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án thì tiến hành giám định tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại.
Do đó, dựa vào kết quả trưng cầu giám định pháp y để xác định một người có bị tâm thần hay không.
3. Người mắc bệnh tâm thần phạm tội thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Tại Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), đã đưa ra quy định như sau:
“Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Do đó, theo quy định trên, người phạm tội khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác khiến họ bị mất khả năng nhận thức. mất khả năng điều khiển hành vi của mình thì người phạm tội đó sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội đã vi phạm.
Và như đã nêu ở phần 2, để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 yêu cầu đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định (theo khoản 1 Điều 206). Bệnh lý của người thực hiện hành vi phạm tội phải được một Hội đồng giám định pháp y về tâm thần do Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định tiến hành giám định, xác định và kết luận bằng một bản Kết luận giám định là căn cứ để các Cơ quan tố tụng xem xét trách nhiệm hình sự của nó.
Như vậy, đối với trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác gây mất nhận thức, mất khả năng điều khiển hành vi thì sẽ được miễn trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn đồng thời 02 điều kiện sau:
- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến mối quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ.
- Tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người đó có kết luận bằng bản Kết luận giám định pháp y tâm thần của Hội đồng giám định pháp y về tâm thần do Bộ luật tố tụng Hình sự quy định kết luận người phạm tội đang mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành, đối với những người tâm thần phạm tội, họ vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có kết luận của Hội đồng giám định y khoa cấp có thẩm quyền kết luận giám định họ chỉ bị hạn chế năng lực hành vi, chứ không phải mất năng lực hành vi. Còn trong trường hợp Hội đồng y khoa cấp có thẩm quyền kết luận giám định rằng họ bị mất năng lực hành vi thì họ sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, thro tinh thần của Điều 21 Bộ luật Hình sự hiện hành, người bị bệnh tâm thần chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong lúc đang mắc bệnh., Còn nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái hoàn toàn bình thường mà trước khi bị kết án mới lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi thì sẽ được xác định theo khoản 2 Điều 49 của Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Tức là, người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã lâm vào tình trạng mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa người phạm tội vào một cơ sở điều trị để được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên của pháp luật, căn cứ vào thông tin của từng vụ việc mà cơ quan tố tụng cần phải tiến hành các thủ tục để giám định tâm thần đối với người thực hiện hành vi giết người. Căn cứ vào kết luận giám định, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng hình phạt hoặc biện pháp khác đối với người thực hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
 


LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !