Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC MIỄN THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP?

1. Khái quát chung về thuế thu nhập doanh nghiệp

  1. a) Khái niệm về thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế trực thu, nghĩa là thu trực tiếp trên kết quả hoạt động sản xuất và kinh doanh cuối cùng của mỗi doanh nghiệp. Đây là loại thuế mà tất cả các doanh nghiệp hay tổ chức, công ty kinh doanh, dịch vụ đều phải thực hiện nộp. Thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định trên cơ sở doanh thu sau khi trừ đi các chi phí liên quan. Giống như các loại thuế khác, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng nhằm tạo nguồn thu ngân sách, mặt khác tái cấu trúc nền kinh tế và khuyến khích kêu gọi đầu tư.

b) Khái niệm về miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là việc Nhà nước miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho các đối tượng nộp thuế (doanh nghiệp) thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ trong các lĩnh vực, địa bàn, loại hình mà Nhà nước khuyến khích phát triển nhằm giảm bớt gánh nặng về thuế cũng như thu hút các nhà đầu tư, giúp đỡ các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

2. Những trường hợp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp

Hiện nay, các trường hợp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định rải rác trong các văn bản pháp luật. Cụ thể, theo Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Điều 8 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 96/2015/TT-BTC) và Điều 3, 4 Thông tư 151/2014/TT-BTC, doanh nghiệp có thu nhập thuộc 17 trường hợp sau thì được miễn thuế:

- Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, thủy sản bao gồm các sản phẩm mà doanh nghiệp tự nuôi trồng, thu hoạch và các sản phẩm nông sản, thủy sản mà doanh nghiệp mua về chế biến (với điều kiện là các sản phẩm nông sản, thủy sản, nuôi trồng kể trên không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ một số trường hợp đặc biệt khác). 

- Thu nhập từ hoạt động thanh lý và bán phế liệu, phế phẩm liên quan đến các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nông sản, thủy sản (trừ thanh lý vườn cây cao su).

- Thu nhập từ chế biến nông sản, thủy sản, khai thác muối…của hợp tác xã, doanh nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn. 

- Thu nhập từ các hoạt động kỹ thuật phục vụ nông nghiệp như: Dịch vụ tưới tiêu nước; cày bừa, nạo vét kênh, mương; dịch vụ phòng trừ sâu, bệnh; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp. 

- Miễn thuế có thời hạn tối đa 3 năm, kể từ ngày có doanh thu đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (với điều kiện phải có chứng nhận đăng ký hoạt động nghiên cứu khoa học và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực khoa học xác nhận là hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ).

- Miễn thuế có thời hạn tối đa 5 năm, kể từ ngày có doanh thu đối với các sản phẩm công nghệ lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong cùng lĩnh vực xác nhận. 

- Thu nhập từ hoạt động, sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có từ 30% nguồn nhân lực bình quân trong năm trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS. Các trường hợp nêu trên phải có giấy xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền liên quan (như cơ quan y tế hoặc cơ sở cai nghiện).

- Thu nhập từ hoạt động dạy nghề đối với các đối tượng dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người đang cai nghiện, sau cai nghiện hoặc thuộc diện đối tượng tệ nạn xã hội, người nhiễm HIV/AIDS (với điều kiện cơ sở phải được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và có danh sách học viên phải là các đối tượng nêu trên).

- Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, liên doanh với các doanh nghiệp trong nước, sau khi bên nhận góp vốn đã nộp thuế theo quy định.

- Các khoản tài trợ cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và các hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.

- Thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính (CERS) được các cơ quan có thẩm quyền về môi trường xác nhận và cấp chứng chỉ.

- Thu nhập từ các hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu, tín dụng cho người nghèo và các đối tượng khác thuộc chính sách xã hội của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

- Thu nhập của công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên thực hiện quản lý tài sản của tổ chức tín dụng Việt Nam.

- Thu nhập từ hoạt động có thu, khi thực hiện các nhiệm vụ nhà nước giao bởi các quỹ tài chính nhà nước.

- Thu nhập từ chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên tại các địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.

- Phần thu nhập không chia thuộc các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế.

- Thu nhập của văn phòng thừa phát lại (nhưng chỉ trong thời gian thực hiện thí điểm theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, còn khi hết thời gian thí điểm thì vẫn phải nộp thuế).

Như vậy, pháp luật quy định những trường hợp doanh nghiệp được miễn thuế như trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động cũng như giảm bớt những khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình kinh tế thế giới.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !