1. Chủ thể có quyền yêu cầu thi hành án dân sự:
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 7 và điểm b khoản 1 Điều 7a Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-VPQH Luật Thi hành án dân sự quy định rõ:
Điều 7. Quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án
1. Người được thi hành án có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong Luật này;
Điều 7a. Quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án
1. Người phải thi hành án có các quyền sau đây:
…
b) Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật này;
Thông qua các căn cứ trên, người có quyền yêu cầu thi hành án dân sự bao gồm người được thi hành án và người phải thi hành án, trong đó:
- Người được thi hành án là: Cá nhân, cơ quan được hưởng quyền, lợi ích khi bản án hoặc quyết định của Toà án được thi hành.
- Người phải thi hành án là: Cá nhân, tổ chức phải thực hiện những nghĩa vụ được đề cập đến trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
2. Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự
Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự được quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự như sau:
Về nguyên tắc, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án dân sự trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, thời hạn yêu cầu thi hành án dân sự được xác định như sau:
- Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định: Thời hạn yêu cầu thi hành án dân sự là 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
- Trường hợp bản án, quyết định thi hành theo định kỳ: Thời hạn yêu cầu thi hành án dân sự là 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
- Trường hợp Bản án, Quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay: Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự vẫn được tính từ ngày Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật.
Trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan được quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung) dẫn đến việc không thể yêu cầu thi hành án trong thời hiệu quy định trên thì đương sự có quyền đề nghị Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thi hành án và phải nêu rõ lý do, kèm theo tài liệu chứng minh lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
*Lưu ý:
Các thời gian sau không được tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự:
- Thời gian hoãn, tạm đình chỉ thi hành án đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định pháp luật, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.
- Thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng nếu người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn.
3. Thủ tục yêu cầu thi hành án dân sự:
Trình tự thực hiện:
- Căn cứ khoản 1 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự, đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác nộp đơn yêu cầu thi hành án hoặc gửi đơn qua bưu điện hoặc trực tiếp trình bày yêu cầu thi hành án tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền theo giải thích của Toà án về quyền yêu cầu thi hành án khi đương sự nhận bản án, quyết định của Toà án.
- Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền nhận đơn hoặc lập biên bản về các nội dung yêu cầu thi hành án; ra quyết định thi hành án và gửi quyết định thi hành án cho các đương sự; tiến hành các thủ tục thi hành án theo quy định của pháp luật: thông báo tự nguyện cho đương sự; xác minh điều kiện thi hành án; tổ chức cưỡng chế thi hành án và xử lý tài sản; thanh toán tiền thi hành án hoặc giao tài sản; thu phí thi hành án.
- Người được thi hành án nhận tiền hoặc tài sản thi hành án và nộp phí thi hành án.
Thành phần hồ sơ:
- Đơn yêu cầu thi hành án đối với trường hợp nộp đơn yêu cầu thi hành án hoặc biên bản ghi nhận yêu cầu thi hành án đối với trường hợp Người yêu cầu thi hành án trực tiếp trình bày bằng lời nói
+ Theo khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự, đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây: a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu; b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu; c) Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án; d) Nội dung yêu cầu thi hành án; đ) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có; e) Ngày, tháng, năm làm đơn; g) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.
+ Trường hợp gửi đơn yêu cầu thi hành án qua đường Bưu điện thì cần phải có đầy đủ các nội dung như trường hợp nộp đơn yêu cầu thi hành án trực tiếp; biên lai gửi Bưu điện là căn cứ xác định thời gian nộp đơn yêu cầu thi hành án.
- Bản án, quyết định được thi hành (bản chính), đối với bản án, quyết định của tòa án thì có ghi “để thi hành”.
Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)
Thời hạn giải quyết: Thời hạn giải quyết: 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án và tiến hành các trình tự thi hành án theo quy định của pháp luật
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền (cấp tỉnh hoặc cấp huyện).
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Các quyết định về thi hành án dân sự
Lệ phí (nếu có): phí thi hành án (tính theo giá trị tài sản mà người được thi hành án nhận được.LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Hotline: 0983 198 382
Email: luatkhangtri@gmail.com
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.