Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN VỐN ĐIỀU LỆ KHI THÀNH LẬP CÔNG TY

Vốn vốn điều lệ thể hiện quy mô, tiềm lực của một công ty. Đây là một trong những nội dung quan trọng khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Do đó, việc nắm được những vấn đề pháp lý về vốn điều lệ đã trở thành nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức.

1. Khái niệm vốn điều lệ 

Khác với vốn đầu tư (đối với doanh nghiệp tư nhân), vốn điều lệ được định nghĩa cụ thể tại khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:

“Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần”.

Khi quyết định thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ của một công ty thường được xác định dựa trên các cơ sở sau:

- Khả năng tài chính;

- Phạm vi, quy mô hoạt động, ngành nghề kinh doanh của công ty;

- Chi phí hoạt động thực tế của công ty sau khi thành lập.

2. Đặc điểm của vốn điều lệ 

Thứ nhất, vốn điều lệ là thuật ngữ chỉ xuất hiện ở loại hình công ty là công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần (bao gồm doanh nghiệp nhà nước). 

Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân không có vốn điều lệ mà chỉ có “vốn đầu tư”. Cả hai loại vốn này bản chất vẫn là tài sản mà chủ sở hữu, thành viên của doanh nghiệp đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập doanh nghiệp đó.

Thứ hai, vốn điều lệ là cơ sở để xác định tỉ lệ của việc sở hữu cổ phần hay phần vốn được góp từ cổ đông, thành viên trong doanh nghiệp. 

Dựa vào đó phân chia trách nhiệm, quyền hạn và lợi ích giữa các cổ đông, thành viên trong công ty. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, việc sở hữu càng nhiều vốn góp, cổ phần trong công ty giúp họ có càng nhiều số phiếu biểu quyết. Từ đó, giúp họ có quyền quyết định đối với các hoạt động của công ty.

Thứ ba, vốn điều lệ thể hiện quy mô, tiềm lực của công ty, tạo thuận lợi trong kinh doanh đặc biệt đối với ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. 

Chẳng hạn, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mặc dù không bị ràng buộc điều kiện về vốn điều lệ (quy định về việc tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải có ít nhất 20 tỷ “vốn pháp định” đã bị bãi bỏ theo điểm a khoản 2 Điều 75 Luật Đầu tư năm 2020) nhưng ít nhiều việc sở hữu vốn điều lệ đủ lớn sẽ tạo ra thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản thì trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án bất động sản phải có “vốn chủ sở hữu” không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha. (Lưu ý, vốn chủ sở hữu bao gồm: vốn điều lệ, lợi nhuận chưa phân phối và các nguồn khác).

3. Những vấn đề pháp lý liên quan đến vốn điều lệ khi thành lập công ty 

- Tài sản góp vốn

Theo Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì tài sản góp vốn bao gồm: 

- Đồng Việt Nam;

- Ngoại tệ tự do chuyển đổi;

- Vàng;

- Quyền sử dụng đất;

- Quyền sở hữu trí tuệ;

- Công nghệ, bí quyết kỹ thuật;

- Tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Lưu ý rằng, chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản góp mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn vào doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, pháp luật doanh nghiệp cũng quy định về việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cụ thể:

- Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;

- Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.

Riêng đối với tài sản góp là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi thì cổ đông, thành viên công ty là tổ chức sẽ không được sử dụng tiền mặt để thanh toán mà thực hiện bằng các hình thức khác theo khoản 2 Điều 3 Thông tư số 09/2015/TT-BTC ngày 29/01/2015 hướng dẫn giao dịch tài chính của doanh nghiệp theo quy định tại điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt. Các hình thức tổ chức có thể sử dụng như: thanh toán bằng Séc, thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền…

- Số vốn góp

Luật Doanh nghiệp năm 2020 không quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu cho từng loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì pháp luật có quy định về mức vốn tối thiểu mà doanh nghiệp cần đảm bảo. Vốn điều lệ khi đó trở thành “vốn pháp định”.

Tuy nhiên, sẽ có một số trường hợp không đặt ra yêu cầu về vốn pháp định nhưng có quy định về ký quỹ. Chẳng hạn, đối với dịch vụ lữ hành thì việc ký quỹ là bắt buộc (không đặt ra quy định về vốn điều lệ). Cụ thể, theo Điều 1 Nghị định số 94/2021/NĐ-CP ngày 28/10/2021 sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành thì mức ký quỹ khi kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 20 triệu đồng và mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế lên đến 100 triệu đồng.

Trong những trường hợp yêu cầu ký quỹ nhưng không yêu cầu vốn pháp định như vậy, doanh nghiệp vẫn thường lựa chọn đăng ký vốn điều lệ cao hơn mức yêu cầu ký quỹ. Điều này sẽ thuận tiện cho việc hạch toán, đủ vốn lưu động khi kinh doanh không phải dựa vào vốn vay.

- Thời hạn góp vốn

Vốn điều lệ khi tiến hành đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn được cam kết góp từ thành viên, là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần thì thành viên, cổ đông phải thực hiện góp vốn, thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn tối đa 90 ngày. Riêng đối với công ty hợp danh, thời hạn hoàn tất góp vốn không được quy định cụ thể mà do nội bộ công ty thỏa thuận.

Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn trên công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong vòng 30 ngày (khoản 4 Điều 47, khoản 3 Điều 75, điểm d khoản 3 Điều 113 Luật Doanh nghiệp năm 2020). 

Nếu đã hết thời hạn trên mà công ty không thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đến 50 triệu đồng (điểm a khoản 3 Điều 46 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư). Bên cạnh đó, hành vi kê khai khống vốn điều lệ có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng (Điều 47 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP).

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !