Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

CÔNG CHỨNG TREO VÀ NHỮNG RỦI RO CỦA CÔNG CHỨNG TREO

Công chứng treo hiện này vẫn còn là một thuật ngữ khá xa lạ đối với những người không thuộc lĩnh vực bất động sản hoặc công chứng. Vậy “Công chứng treo” là gì? Mua nhà, mua đất mà thực hiện công chứng treo thì có hợp pháp hay không? Những lợi ích và rủi ro khi công chứng treo là gì? Bài viết sau sẽ giải đáp rõ ràng những thắc mắc của bạn.




1. Công chứng treo là gì?

Khác với loại hình công chứng truyền thống, Công chứng treo là hình thức mà bên Văn phòng công chứng sẽ soạn sẵn hợp đồng mua bán bình thường, sau đó bên bán sẽ đến ký tên và đánh dấu vân tay đầy đủ. Phần ký tên của bên mua thì được để trống. Sau khi chủ đất tiến hành ký xong, người mua sẽ chuyển tiền đầy đủ cho họ. Lúc này bên bán coi như đã hoàn thành xong nghĩa vụ, hợp đồng sẽ do phòng công chứng nắm giữ. Đối với người mua, khi nào có thể sắp xếp thời gian được thì sẽ đến ký vào phần trống còn lại đó. Công chứng viên sẽ đóng dấu công chứng và kết thúc quy trình công chứng hợp đồng mua bán.

2. Những rủi ro có thể gặp phải khi thực hiện Công chứng treo:

Hình thức Công chứng treo nghe qua có vẻ rất hợp lý, nhưng thực chất lại chứa đựng những rủi ro lớn như sau:

2.1. Rủi ro Hợp đồng công chứng treo không có giá trị pháp lý:

Đối với bên mua trong Hợp đồng mua bán thực hiện công chứng treo, họ hoàn toàn làm chủ được thời gian để có thể đến ký công chứng. Tuy nhiên về bản chất, hợp đồng thiếu một bên tham gia ký tên thì không được công nhận. Theo quy định tại Điều 48 Luật công chứng 2014, hoạt động công chứng phải có sự tham gia của cả bên mua và bên bán trong hợp đồng, đảm bảo ký tên và được đóng dấu xác nhận của công chứng viên. Văn bản công chứng sẽ có hiệu lực kể từ ngày công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Nếu hợp đồng công chứng chỉ có chữ ký của người bán, không có chữ ký của người mua và công chứng viên chưa đóng dấu thì hợp đồng công chứng sẽ không có giá trị pháp lý. 

Đây là hình thức công chứng “chui” và chỉ cần có quan hệ tốt với bên công chứng thì có thể thực hiện được. Vì vậy, việc làm này của công chứng viên và người bán là vi phạm pháp luật.

2.2. Rủi ro khi người bán không còn đủ năng lực ký kết hợp đồng giao dịch:

Theo quy định tại Điều 47 Luật công chứng 2014, người yêu cầu công chứng phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Sau khi bên bán đã ký vào hợp đồng, trong thời gian đợi bên mua ký vào hợp đồng công chứng, nếu bên bán gặp rủi ro liên quan đến năng lực hành vi dân sự, có vấn đề về nhận thức, không làm chủ được hành vi của mình thì cho dù bên mua có ký vào hợp đồng thì bên công chứng cũng không thể xác thực, chứng nhận và đóng dấu vào được. Đặc biệt, đối với hoạt động công chứng mua hợp đồng mua bán đất đai đòi hỏi phải có đầy đủ sự hiện diện của cả bên bán và bên mua, đảm bảo các bên có năng lực hành vi dân sự, năng lực trách nhiệm dân sự đầy đủ, đồng thời cùng tiến hành ký vào hợp đồng trước sự chứng kiến của công chứng viên.

Vì vậy, nếu bên bán không thể đáp ứng được điều kiện về năng lực hành vi dân sự thì hợp đồng công chứng sẽ không có giá trị pháp lý. 

2.3. Rủi ro khi người chuyển nhượng bất động sản chết

Tương tự như việc người bán không có năng lực hành vi dân sự, trường hợp người bán (chủ đất) không may qua đời trong thời gian đợi bên mua ký vào hợp đồng công chứng thì rủi ro sẽ do bên mua chịu. Lúc này, những người thừa kế hợp pháp của người bán có thể đưa ra lý do mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để được cấp lại giấy chứng nhận và khai nhận thừa kế. Bên mua không thể khởi kiện do Hợp đồng công chứng không có giá trị pháp lý.

3. Cách giải quyết rủi ro Công chứng treo

Cách giải quyết tốt nhất rủi ro Công chứng treo đó là người mua có thể thỏa thuận với người bán để sắp xếp thời gian lựa chọn một ngày công chứng phù hợp có sự có mặt của cả hai bên. Hai bên có thể tiến hành công chứng một các hợp pháp, thể hiện được thiện chí, sự tôn trọng và uy tín của các bên khi tham gia giao dịch.

Nếu không thể sắp xếp được lịch trình, người mua có thể sử dụng phương pháp ủy quyền bán cho một người mà họ cực kì tín nhiệm để ký hợp đồng mua bán với chủ bất động sản. Nói cách khác là nhờ người khác đứng tên sở hữu giúp. Sau đó, người được ủy quyền sẽ sang lại hợp đồng cho người ủy quyền (bên mua). Phương pháp này vừa chủ động được thời gian, vừa tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người được ủy quyền ký hợp đồng mua bán phải thực sự đáng tín nhiệm, nếu không sẽ dẫn đến nhiều rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. Mặc khác người mua cũng sẽ phải chịu hai lần đóng thuế cho nhà nước, tuy nhiên chi phí này là xứng đáng để giải quyết được vấn đề cấp bách trước mắt của người mua.


LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !