Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

PHÂN BIỆT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI VÀ TRANH CHẤP VỀ ĐẤT ĐAI?


1. Tranh chấp đất đai là gì? Các dạng tranh chấp đất đai và thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai?

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. (Khoản 24 Điều 3 Luật đất đai 2013). Vậy, chỉ những tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất kể cả việc tranh chấp ranh giới giữa các thửa đất mới là tranh chấp đất đai. Việc xác định tranh chấp nào là tranh chấp đất đai rất quan trọng vì thủ tục giải quyết của nó khác với tranh chấp liên quan đến đất đai.

Các loại tranh chấp đất đai phổ biến như tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất cụ thể như tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất với toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất, bao gồm cả tranh chấp ranh giới giữa các thửa đất liền kề. Cụ thể là các dạng như:

+ Thứ nhất, tranh chấp giữa những người sử dụng với nhau và ranh giới giữa các vùng đất, đây có thể là tranh chấp về ranh giới đất liền kề, ngõ đi,... Loại tranh chấp này thường do một bên tự ý thay đổi ranh giới hoặc hai bên không xác định được với nhau và ranh giới, một số trường hợp chiếm luôn diện tích đất của người khác.

+ Thứ hai, tranh chấp về quyền sử dụng đất có liên quan đến tranh chấp về địa giới hành chính. Loại tranh chấp này thường xảy ra giữa người ở hai tỉnh, hai huyện, hai xã với nhau.

+ Thứ ba, tranh chấp đòi lại đất: Thực chất đây là dạng tranh chấp đòi lại đất, đòi lại tài sản gắn liền với đất có nguồn gốc trước đây thuộc quyền sở hữu của họ hoặc người thân của họ mà do nhiều nguyên nhân khác nhau họ không còn quản lý, sử dụng nữa. Bây giờ những người này đòi lại người đang quản lý, sử dụng dẫn đến tranh chấp: đất đã cho người khác mượn sử dụng mà không trả lại, hoặc tranh chấp giữa người dân tộc thiểu số với người đi xây dựng vùng kinh tế mới....

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Giải quyết tranh chấp đất đai là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên để tìm ra các giải pháp đúng đắn trên cơ sở pháp luật nhằm xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ đất đai.

Tranh chấp đất đai bắt buộc phải hòa giải ở UBND cấp xã. Theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013 và khoản 27 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, quy định trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Theo Điều 203 Luật đất đai 2013, giải quyết tranh chấp đất đai phải hòa giải tại UBND cấp xã, trường hợp hòa giải không thành thì:

Thứ nhất, nếu đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì khởi kiện tại Tòa án.

 Thứ hai, tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì chọn một trong hai hình thức: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện, cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết bao gồm: Tòa án nhân dân nơi có đất xảy ra tranh chấp; UBND cấp huyện; UBND cấp tỉnh.

Luật điều chỉnh là Luật Đất đai 2013 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

2. Tranh chấp về đất đai là gì?

Tranh chấp về đất đai là tất cả những tranh chấp gì có liên quan tới đất đai, tức bao gồm cả tranh chấp đất đai hay nói cách khác tranh chấp đất đai là một bộ phận của tranh chấp về đất đai, những bộ phận còn lại gồm tranh chấp các hợp đồng giao dịch liên quan tới đất đai, thừa kế di sản là quyền sử dụng đất, chia tài sản chung là quyền sử dụng đất...v..v....

Loại tranh chấp phổ biến bao gồm: Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất (chuyển nhượng, tặng cho…); Tranh chấp về di sản thừa kế là quyền sử dụng đất; Tranh chấp tài sản chung là quyền sử dụng đất giữa vợ và chồng khi ly hôn.

Khi có tranh chấp xảy ra, có quyền khởi kiện tại Tòa án mà không cần thông qua hòa giải tại UBND cấp xã. Và cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Tòa án.

Luật điều chỉnh bao gồm: Bộ luật Dân sự 2015, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

3. Ý nghĩa việc phân biệt giữa tranh chấp đất đai và tranh chấp về đất đai.

Phân biệt tranh chấp đất đai còn có ý nghĩa quan trọng như sau:

Đối với tranh chấp đất đai thì toàn bộ thủ tục giải quyết tranh chấp sẽ tuân theo quy định của Luật đất đai. Đầu tiên là phải hòa giải tại UBND cấp xã, nếu không hòa giải được mà cần tiến hành khởi kiện, Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện. Ngoài ra, trường hợp đất tranh chấp có giấy chứng nhận hoặc giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền sẽ đưa ra phương án giải quyết khác với trường hợp không có giấy tờ.

Đối với tranh chấp về đất đai thì thủ tục giải quyết sẽ khác với tranh chấp đất đai và do Bộ luật Dân sự quy định. Các bên có thể khởi kiện trực tiếp tại Tòa án, thay vì phải thông qua hòa giải tại UBND cấp xã.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !