Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

NGƯỜI TÀNG TRỮ TRÁI PHÉP THÔNG TIN VỀ TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG CÓ TỔ CHỨC BỊ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ THẾ NÀO?

1. Khái quát chung về tội tàng trữ trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng có tổ chức

  1. a) Khái niệm về tài khoản ngân hàng và thông tin tài khoản ngân hàng

Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm “tài khoản ngân hàng” mà chỉ có quy định về khái niệm “tài khoản thanh toán” tại Khoản 22 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 như sau: “Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng”. Vì vậy, có thể hiểu “tài khoản ngân hàng” là một dạng tài sản của ngân hàng cung cấp cho khách hàng để thực hiện các giao dịch tiền tệ như chuyển tiền, nhận tiền, rút tiền, gửi tiết kiệm, thanh toán…

Khái niệm về thông tin về tài khoản của khách hàng được quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 117/2018/NĐ-CP như sau: “Thông tin về tài khoản của khách hàng là thông tin định danh khách hàng và các thông tin như: tên tài khoản, số hiệu tài khoản, số dư tài khoản, thông tin liên quan đến giao dịch nộp tiền, rút tiền, chuyển tiền, nhận tiền của khách hàng và các thông tin có liên quan khác”.

b) Tội tàng trữ trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng có tổ chức

Tàng trữ trái phép là hành vi cất giữ, lưu trữ các thông tin về tài khoản ngân hàng mà không được sự cho phép của ngân hàng hoặc cơ quan có thẩm quyền. Các thông tin này thường được lưu trữ trong máy tính, điện thoại của người phạm tội nhưng cũng có thể được in ra giấy cất giữ tại nhà, cơ quan, trong túi xách, phương tiện đi lại…Còn khái niệm về phạm tội có tổ chức được quy định tại Khoản 2 Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau: “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”. Vì vậy, có thể hiểu tội tàng trữ trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng có tổ chức nghĩa là có hai người trở lên cùng thực hiện hành vi cất giấu thông tin tài khoản ngân hàng của người khác một cách trái pháp luật.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội tàng trữ trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng có tổ chức
a) Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội tàng trữ trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng có tổ chức phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Chủ thể của tội phạm không phải là chủ thể đặc biệt mà bất kì ai cũng có thể là chủ thể của tội phạm này.

b) Khách thể của tội phạm

Tội tàng trữ trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng trực tiếp xâm phạm đến chế độ quản lý an ninh mạng và quyền được bảo mật thông tin tài khoản ngân hàng của chủ sở hữu tài khoản. Đối tượng tác động của tội phạm này là thông tin về tài khoản ngân hàng.

c) Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi tàng trữ trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Vì vậy, người thực hiện tội phạm chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng như tàng trữ trái phép với số lượng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng trở lên.

d) Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi khách quan với lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp, nghĩa là người phạm tội hoàn toàn nhận biết được hậu quả của tội phạm nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi để hậu quả của nó xảy ra, hoặc dù không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra. 

3. Khung hình phạt của tội tàng trữ trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng có tổ chức 

Hành lang pháp lý hiện nay quy định khung hình phạt của tội tàng trữ trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng có tổ chức tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:

“1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;

b) Có tổ chức;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !