Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

CHIẾM HỮU NGAY TÌNH LÀ GÌ?

1. Khái quát chung về chiếm hữu ngay tình

a) Khái niệm về chiếm hữu ngay tình

Theo quy định tại Điều 180 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) thì: “Chiếm hữu ngay tình là việc mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.”

Trước đây, chiếm hữu ngay tình cũng đã được quy định tại Điều 189 Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS 2005), cụ thể là về chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình như sau:

“Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại Điều 183 của Bộ luật này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.

Người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình là người chiếm hữu mà không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật.

Qua hai điều trên, ta có thể thấy được, so với Điều 189 BLDS 2005 thì Điều 180 BLDS 2015 đã thay đổi việc chứng minh rằng, trách nhiệm chứng minh thuộc về bên cho rằng bên chiếm hữu không chiếm hữu ngay tình. Như vậy, chiếm hữu ngay tình là việc các cá nhân hay tổ chức chiếm hữu tài sản mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu, bao gồm chiếm hữu ngay tình có căn cứ pháp luật và chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình.
b) Chủ thể của việc chiếm hữu ngay tình

Chủ thể của việc chiếm hữu ngay tình bao gồm: người chiếm hữu ngay tình có căn cứ pháp luật và người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình. Việc chiếm hữu ngay tình được xác lập có hiệu lực không chỉ với bên chuyển quyền và bên nhận quyền mà còn có hiệu lực với mọi chủ thể khác. Các chủ thể khác trong xã hội không được xâm phạm quyền của người chiếm hữu ngay tình, không được cản trở người chiếm hữu ngay tình trong việc thực hiện các hoạt động sử dụng, khai thác hưởng lợi hợp pháp của họ.
c) Đặc điểm của việc chiếm hữu ngay tình

Thứ nhất, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì người chiếm hữu ngay tình không phải trả lại hoa lợi, lợi tức cho chủ sở hữu trong việc thu hoa lợi, lợi tức đó (theo quy định tại Khoản 3 Điều 131 BLDS 2015).

Thứ hai, khi giao dịch dân sự vô hiệu, quyền lợi của người thứ ba ngay tình vẫn được bảo đảm. Cụ thể là, giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản.

Thứ ba, áp dụng chế tài đối với người chiếm hữu ngay tình, nếu họ có lỗi sẽ phải hoàn trả lại các chi phí và bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu.

Thứ tư, nguyên vật liệu chiếm hữu đã tạo ra sản phẩm khác thì chủ sở hữu của nguyên vật liệu đó là người chiếm hữu ngay tình của sản phẩm.

Thứ năm, nếu lấy nguyên vật liệu của người khác và ngay tình trở thành người chiếm hữu thì phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu của nguyên vật liệu đó.

2. Căn cứ xác lập, chấm dứt và hậu quả pháp lý của hành vi chiếm hữu ngay tình

a) Căn cứ xác lập việc chiếm hữu ngay tình

Để một chủ thể chiếm hữu ngay tình đối với tài sản nhất định, thì việc thực hiện phải xuất phát từ những căn cứ nhất định do pháp luật quy định. Tại Điều 236 BLDS 2015 quy định về việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật như sau:

“Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

Việc chiếm hữu ngay tình phải được phát sinh từ các căn cứ này mới được công nhận và bảo vệ bởi các chế độ pháp lý, kể cả quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức của tài sản chiếm hữu ngay tình trong một số trường hợp.
b) Căn cứ chấm dứt việc chiếm hữu ngay tình

Về nguyên tắc, điều kiện chấm dứt việc chiếm hữu ngay tình được quy định tại Điều 240 BLDS 2015 về tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác như sau:

“Khi quyền sở hữu của người chiếm hữu, người được lợi về tài sản đã được xác lập theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này hoặc quy định khác của luật có liên quan thì chấm dứt quyền sở hữu của người có tài sản bị chiếm hữu.”
c) Hậu quả pháp lý khi chấm dứt việc chiếm hữu ngay tình

Khi hành vi chiếm hữu ngay tình kết thúc thì chủ thể chiếm hữu phải thực hiện một số nghĩa vụ như chấm dứt hành vi chiếm hữu, hoàn trả tài sản và một số trường hợp cá biệt có thể phải bồi thường thiệt hại cho người chủ trên thực tế có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản, khi xảy ra hậu quả pháp lý đối với hành vi chiếm hữu ngay tình của mình theo luật định tại các Điều 167, Điều 168, Điều 170 và Điều 579 BLDS 2015.

3. Ý nghĩa pháp lý của hành vi chiếm hữu ngay tình

Trên thực tế, khi xác định được việc chiếm hữu là ngay tình thì bước tiếp theo đó có thể dễ dàng xác định được quyền của người đang chiếm hữu với tài sản chiếm hữu. Do đó, việc xác định chiếm hữu ngay tình có ý nghĩa quan trọng để làm cơ sở pháp lý cho việc:

Thứ nhất, xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đang bị chiếm hữu trên thực tế.

Thứ hai, bảo vệ người ngay tình trong việc chiếm hữu tài sản.

Thứ ba, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chủ sở hữu thực sự của tài sản. 

Kết luận

Tóm lại, hiện nay những chủ thể là người chiếm hữu bất hợp pháp đối với tài sản rất rộng nên pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể để đảm bảo công bằng cả cho chủ sở hữu lẫn người chiếm hữu ngay tình. Ngoài ra, xác định chiếm hữu ngay tình còn nhằm mục đích để bảo vệ những lợi ích vật chất hợp pháp của chủ sở hữu và của người đang chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !