Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

CHẾ LỜI BÀI HÁT CÓ VI PHẠM BẢN QUYỀN KHÔNG?

1. Bản quyền tác giả là gì?

Bản quyền tác giả chính là quyền tác giả.

Việc bảo hộ quyền tác giả là cách để pháp luật bảo vệ giá trị của tác phẩm và quyền, lợi ích hợp pháp của những người tạo ra tác phẩm đó. Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022) thì quyền tác giả là quyền của cá nhân, tổ chức đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc đối với tác phẩm mà mình sở hữu.

Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt chất lượng, nội dung, hình thức, ngôn ngữ, phương tiện, chưa công bố hay đã công bố, chưa đăng ký hay đã đăng ký. Người sở hữu hoặc sáng tạo tác phẩm là người giữ bản quyền của tác phẩm đó và được pháp luật về sở hữu trí tuệ bảo hộ.

2. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022) như sau:

“1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c) Tác phẩm báo chí;

d) Tác phẩm âm nhạc;

đ) Tác phẩm sân khấu;

e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

g) Tác phẩm thẩm mỹ, mỹ thuật ứng dụng;

h) Tác phẩm nhiếp ảnh;

i) Tác phẩm kiến trúc;

k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

3. Tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác”.

3. Chế lời bài hát có vi phạm bản quyền tác giả không?

Quyền tác giả được bảo hộ bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Việc chế lời bài hát dựa trên tác phẩm âm nhạc đã được công bố chính là sử dụng quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả. Cụ thể là khai thác tác phẩm âm nhạc này để làm tác phẩm phái sinh.

Theo điểm b khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022) thì thời hạn bảo hộ đối với quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc là suốt cuộc đời của tác giả và 50 năm tiếp theo năm mà tác giả chết. Trường hợp mà tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ của tác phẩm âm nhạc chấm dứt vào năm thứ 50 năm sau năm mà đồng tác giả cuối cùng chết. Theo khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022) thì tác phẩm phái sinh là tác phẩm được dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm cải biên, chuyển thể, chú giải, biên soạn, tuyển chọn. 

Trường hợp 1: Chế lời bài hát còn thời hạn bảo hộ

Có thể thấy, việc chế lời bài hát là việc sử dụng tác phẩm âm nhạc đã có để phóng tác. Hay nói cách khác là sử dụng tác phẩm âm nhạc đã có để phỏng theo nội dung mà viết lại thành một tác phẩm khác theo một hoặc một số yêu cầu nhất định. Khi cá nhân, tổ chức muốn sử dụng một tác phẩm âm nhạc đang trong thời hạn bảo hộ để viết lời mới thì phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền thù lao, nhuận bút cho chủ sở hữu quyền tác giả đối với bài hát đó. Nếu làm viết lại lời mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, của tác giả thì đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ: “Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, của chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ”.

Trường hợp 2: Chế lời bài hát hết thời hạn bảo hộ

Còn nếu thời hạn bảo hộ tác phẩm đã hết, cá nhân, tổ chức khác có thể sử dụng tác phẩm này mà không cần phải xin phép hay trả tiền thù lao, tiền nhuận bút đối với chủ sở hữu quyền tác giả.

Kết luận: Như vậy, khi có nhu cầu viết lại lời bài hát thì các cá nhân, tổ chức nên liên hệ với tác giả để xin phép viết lại lời bài hát và nếu cần thì phải trả tiền nhuận bút, thù lao đầy đủ cho tác giả.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !