Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

THỦ TỤC KHỞI KIỆN ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NHƯ THẾ NÀO?

1. Khái niệm “Bồi thường thiệt hại”

 

Bồi thường thiệt hại là một hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi vi phạm gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả của việc mình gây ra bằng cách đền bù cho bên bị thiệt hại những tổn thất về vật chất và về tinh thần. 

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Dân sự 2015 thì : 

 

“Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

 

Như vậy, theo quy định trên thì chỉ có 02 trường hợp cá nhân, pháp nhân không được bồi thường thiệt hại là khi các bên có thỏa thuận hoặc luật có quy định khác.

 

Do đó, nếu một người bị xâm phạm quyền dân sự như quyền được bảo vệ hình ảnh, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản… hoặc nghĩa vụ trong hợp đồng thì có quyền yêu cầu người gây ra thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

 

Tuy nhiên, có một số trường hợp sau đây, cá nhân không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

 

- Bên tặng cho không biết tài sản có khuyết tật mà không thông báo và có thiệt hại xảy ra cho người được tặng cho (Điều 461 Bộ luật Dân sự).

 

- Trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (khoản 3 Điều 541 Bộ luật Dân sự).

 

- Thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc do lỗi của bên bị thiệt hại mà không có thỏa thuận hoặc luật không có quy định khác (khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự).

 

Do đó, về nguyên tắc, nếu không có thỏa thuận hoặc không có quy định khác thì người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra cho người khác.

 

2. Khi nào được khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại

 

Khi hai bên thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại thì thực hiện theo thỏa thuận đó. Tuy nhiên, trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người bị thiệt hại có thể thực hiện thủ tục khởi kiện để đòi bồi thường.

 

Mà theo quy định tại khoản 6 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án do vậy khi cá nhân, tổ chức mà bị thiệt hại thì đương nhiên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết để đòi lại quyền lợi cho mình.

 

Trong đó, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gồm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, tổ chức.

 

Đồng thời, theo Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

 

  Do đó, nếu một người bị thiệt hại ngoài hợp đồng do các hành vi xâm phạm nêu trên thì có thể tự mình khởi kiện hoặc thông qua người đại diện hợp pháp của mình khởi kiện tại Tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

3. Thủ tục khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại thực hiện thế nào? 

 

*Hồ sơ khởi kiện đòi bồi thường gồm những gì?

 

Căn cứ khoản 1 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện. Trong đó, đơn khởi kiện phải gồm các nội dung:

 

- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện.

 

- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện.

 

- Tên, nơi cư trú/trụ sở của bên khởi kiện; người bị kiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

 

- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

 

Ngoài đơn khởi kiện, nếu có các bằng chứng chứng minh mức thiệt hại của bản thân như hóa đơn chữa trị, hóa đơn tàu xe, đi lại… thì người khởi kiện cũng cần nộp kèm đơn khởi kiện.

 

*Cơ quan có thẩm quyền giải quyết

 

Căn cứ theo khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện là giải quyết các tranh chấp về dân sự trong đó có tranh chấp về bồi thường thiệt hại.

 

Đồng thời, theo điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật này, Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc là Tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về bồi thường thiệt hại.

 

Do đó, nếu muốn khởi kiện đòi bồi thường thì người khởi kiện gửi đơn khởi kiện đến Tòa án cấp huyện của người gây ra thiệt hại cho mình thường trú hoặc tạm trú.

 

*Thời gian giải quyết yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại

 

Quy định này được thể hiện từ Điều 191 đến Điều 220 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, tùy từng tính chất vụ tranh chấp mà một vụ khởi kiện đòi bồi thường có thể kéo dài từ 06 - 08 tháng gồm các công việc:

 

- Tòa án phân công Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

 

- Thẩm phán ra quyết định sửa đổi, bổ sung, thụ lý hay trả lại đơn khởi kiện.

 

- Người khởi kiện nộp tạm ứng án phí.

 

- Tòa án tiến hành lập hồ sơ, thu thập chứng cứ, hòa giải…

 

- Đưa vụ án ra xét xử…

 

*Phí, lệ phí khởi kiện 

Án phí dân sự được thể hiện cụ thể tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 gồm có giá ngạch hoặc không có giá ngạch.

 

      4. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là bao lâu?

 

Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị thiệt hại được xác định tại Điều 588 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

 

“Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”

 

Như vậy, tính từ ngày người bị thiệt hại biết hoặc phải biết mình bị thiệt hại thì thời gian để người bị thiệt hại nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !