Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

BỎ SỔ HỘ KHẨU GIẤY, NGƯỜI DÂN MUA BÁN NHÀ ĐẤT CẦN GIẤY TỜ GÌ ĐỂ THAY THẾ?

1/ Giao dịch về nhà ở là gì?

Theo Điều 117 Luật nhà ở 2014, Giao dịch về nhà ở được pháp luật quy định bao gồm các hình thức mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ và ủy quyền quản lý nhà ở.

2/ Trình tự thủ tục thực hiện giao dịch về nhà ở

Khi thực hiện các các giao dịch về nhà ở, Điều 120 Luật Nhà ở 2014 quy định  trình tự như sau: 

Bước 1: Các bên tham gia giao dịch nhà ở thỏa thuận lập hợp đồng mua bán, cho thuê, thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở hoặc văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại (sau đây gọi chung là hợp đồng về nhà ở) có các nội dung quy định tại Điều 121 của Luật này; trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương thì chỉ cần lập văn bản tặng cho.

Bước 2: Các bên thỏa thuận để một bên thực hiện nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó; trường hợp mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư dự án thì chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho bên mua, bên thuê mua, trừ trường hợp bên mua, bên thuê mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

Bước 3: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho bên mua, bên thuê mua, bên nhận tặng cho, nhận đổi, nhận góp vốn, nhận thừa kế nhà ở cùng với nhận chuyển quyền sử dụng đất ở hợp pháp có nhà ở đó thì đồng thời công nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho bên nhận quyền sở hữu nhà ở.

3/ Chuẩn bị những gì khi thực hiện các giao dịch?

a/ Hồ sơ

*Hồ sơ để thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất quy định tại Điều 40, 41 Luật Công chứng, hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành 01 bộ gồm các giấy tờ sau:

- Phiếu yêu cầu công chứng;

- Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

- Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

- Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

- Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

b/ Thủ tục:

Nếu được yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng minh cư trú, người dân làm thủ tục xin cấp Giấy xác nhận thông tin cư trú để nộp vào hồ sơ bổ sung vào hồ sơ mua bán. Từ sau 01/01/2023, khi thực hiện các giao dịch nhà đất, chỉ cần xuất trình căn cước công dân gắn chip. Trường hợp đã kết hôn, cả vợ và chồng đều phải xuất trình căn cước công dân gắn chíp. Nếu một trong 2 vợ chồng chưa có căn cước công dân gắn chíp, sẽ phải xin giấy xác nhận cư trú tại nơi đang tạm trú hoặc thường trú cho từng cá nhân 

*Theo Điều 17 Thông tư số 55/2021/TT-BCA, công dân có quyền yêu cầu cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú theo 02 cách:

Cách 1: Trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú đề nghị cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú. Cụ thể:

Cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã. (Theo khoản 4 Điều 2 Luật Cư Cách 2: Gửi yêu cầu xác nhận thông tin cư trú thông qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú, Cổng dịch vụ công quốc gia.

*Lưu ý:

- Về thời gian cấp Giấy xác nhận thông tin cư trú: Cơ quan có thẩm quyền sẽ xác nhận thông tin về cư trú bằng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử trong 03 ngày làm việc.

- Về hiệu lực của Giấy xác nhận thông tin cư trú:

Có giá trị trong 06 tháng kể từ ngày cấp với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Cư trú:

“Nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống”. Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.”

Có giá trị trong 30 ngày kể từ ngày cấp với các trường hợp xác nhận thông tin về cư trú. Nếu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về cư trú và được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu về cư trú thì Giấy xác nhận thông tin về cư trú hết giá trị kể từ thời điểm thực hiện thay đổi.

Theo đó tại Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP quy định về Khai thác, sử dụng thông tin về cư trú để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, thì việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng 1 trong 4 phương thức, bao gồm:

Phương thức thứ nhất, tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua cổng dịch vụ công quốc gia.

Phương thức thứ 2, tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VnelD.

Phương thức thứ 3, sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân gắn chip.

Phương thức thứ 4 là các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức nêu trên, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.

Việc yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú được nêu cụ thể trong quyết định công bố thủ tục hành chính của bộ, cơ quan, địa phương hoặc các văn bản thông báo dịch vụ của cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

4/ Thay thế sổ hộ khẩu giấy có được ưu điểm gì?

Tóm lại, khi bỏ hộ khẩu giấy, người dân sẽ không cần cung cấp Sổ hộ khẩu khi thực hiện các giao dịch về nhà đất như trước kia. Về bản chất, sau khi bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, cơ quan chức năng vẫn sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân nhưng không bằng phương pháp thủ công thông qua các giấy tờ sổ sách thông thường mà thay vào đó quản lý trực tiếp bằng phương thức điện tử hay thường gọi là sổ hộ khẩu điện tử. Đồng nghĩa là người dân vẫn cần làm các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú như trước đây. Tuy nhiên, khi người dân hoàn tất các thủ tục về cư trú (đăng ký thường trú, tạm trú…), cơ quan công an sẽ không cấp mới sổ giấy như trước đây, mà sẽ cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điểm mới này đem lại lợi ích tối ưu đó là khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan không phải tốn thời gian sao y sổ hộ khẩu, bảo quản sổ hộ khẩu giấy, nộp kèm sổ hộ khẩu… giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí và tránh thất thoát hồ sơ, dữ liệu mà vẫn đảm bảo tính đồng bộ thông tin.



LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !