1. Quy định về cầm cố tài sản
Căn cứ theo quy định tại Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”
Qua đó, tài sản được mang ra để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cần phải thuộc sở hữu hợp pháp của bên cầm cố
Bên cạnh đó, tài sản không chính chủ là tài sản không thuộc sở hữu hợp pháp của một người hoặc một tổ chức. Tài sản này có thể được sở hữu bởi một người khác, hoặc không có chủ sở hữu.
Như vậy, cầm cố tài sản không chính chủ là việc bên cầm cố giao tài sản không phải thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.
2. Cầm tài sản không chính chủ có bị phạt không?
- Người cầm cố
Căn cứ theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nào cầm cố trái phép tài sản của người khác thì có thể bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng.
- Người nhận cầm cố
Người nhận cầm đồ hay chính là chủ tiệm cầm đồ khi nhận cầm cố tài sản không chính chủ mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu của tài sản thì sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng theo điểm L khoản 3 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, chủ hiệu cầm đồ hay người nhận cầm cố phải nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Ngoài ra, nếu tài sản nhận cầm cố là do người khác trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì chủ tiệm cầm đồ có thể bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng (theo điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Nếu nhận cầm cố giấy tờ thì còn có thể bị phạt tuỳ theo giấy tờ đó là gì, gồm:
- Giấy tờ là Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân thì chủ tiệm cầm đồ có thể bị phạt tiền từ 04 - 06 triệu đồng theo điểm c khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
- Giấy tờ là hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC thì chủ tiệm cầm đồ có thể bị phạt từ 03 - 05 triệu đồng theo điểm c khoản 3 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
3. Có được cầm cố tài sản không chính chủ không?
Căn cứ theo Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đại diện theo ủy quyền như sau:
“Điều 138. Đại diện theo ủy quyền
1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.”
Theo quy định trên, Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định tổ chức cá nhân có thể ủy quyền cho tổ chức cá nhân khác thực hiện giao dịch dân sự mà việc cầm cố tài sản chính là một giao dịch dân sự.
Theo đó, cá nhân tổ chức có thể ủy quyền cho tổ chức cá nhân khác cầm cố tài sản giúp mình. Trong trường hợp này, bên cầm cố tài sản sẽ đại diện cho chủ sở hữu hợp pháp của tài sản giao tài sản cho bên nhận cầm cố.
Như vậy, với trường hợp chủ tài sản ủy quyền cho cá nhân tổ chức khác cầm cố tài sản thì lúc này việc cầm cố tài sản không chính chủ sẽ là đúng quy định pháp luật.
4. Thủ tục cầm cố tài sản không chính chủ đúng luật
Theo quy định nêu trên, trường hợp duy nhất cầm cố tài sản không chính chủ được coi là đúng luật là khi chủ sở hữu tài sản uỷ quyền cho người khác thực hiện thay mình cầm cố tài sản với chủ tiệm cầm đồ.
Theo đó, thủ tục thực hiện cầm cố trong trường hợp này được thực hiện như sau:
Bước 1: Bên cầm cố và bên được uỷ quyền thực hiện cầm cố phải tiến hành làm văn bản uỷ quyền về việc bên nhận uỷ quyền thay mặt bên cầm cố thực hiện thủ tục cầm cố với chủ tiệm cầm đồ.
Do luật quy định trường hợp này không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng/giấy uỷ quyền nên các bên hoàn toàn có thể chỉ cần viết tay giấy/hợp đồng uỷ quyền trừ trường hợp các bên có nhu cầu hoặc tài sản cầm cố là giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Bước 2: Thực hiện thủ tục cầm cố tài sản
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, hợp đồng cầm cố không bắt buộc phải lập hợp đồng mà nội dung cầm cố có thể thể hiện bằng hợp đồng riêng hoặc được nêu tại điều khoản của một hợp đồng khác về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.
Thủ tục cầm cố tài sản thực hiện theo thoả thuận của các bên. Trong đó có thủ tục: Giao tài sản, thanh toán chi phí hợp lý để bảo quản tài sản cầm cố…
LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Hotline: 0983 198 382
Email: luatkhangtri@gmail.com
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.