Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2022

Những chính sách nổi bật sẽ bắt đầu có hiệu lực trong tháng 7 này liên quan đến nhiều lĩnh vực như lao động, giáo dục, đầu tư… Theo đó, người lao động, các cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên, các tổ chức, cá nhân có liên quan cần đặc biệt quan tâm đến những vấn đề sau:

1. Mức lương tối thiểu vùng tăng và việc bổ sung mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động

Chính sách có hiệu lực từ tháng 7/2022 - Luật Khang Trí

Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng được quy định cụ thể thành mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng. Theo Nghị định, mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ được quy định như sau:
 

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng
(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ
(Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.680.000

22.500

Vùng II

4.160.000

20.000

Vùng III

3.640.000

17.500

Vùng IV

3.250.000

15.600


Như vậy, so với mức lương tối thiểu vùng được quy định bởi Nghị định 90/2019/NĐ-CP trước đó, mức lương tối thiểu tháng của người lao động sẽ tăng kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2022 theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Mức tăng cụ thể như sau:

 

  • Vùng I: Tăng 260.000 đồng/tháng so với mức 4.420.000 đồng/tháng;

  • Vùng II: Tăng 240.000 đồng/tháng so với mức 3.920.000 đồng/tháng;

  • Vùng III: Tăng 210.000 đồng/tháng so với mức 3.430.000 đồng/tháng;

  • Vùng IV: Tăng 180.000 đồng/tháng so với mức 3.070.000 đồng/tháng.


2. Xóa bỏ hóa đơn giấy, chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử


Theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 được Quốc hội thông qua, từ ngày 01/7/2022 các doanh nghiệp bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử. Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm đầu tháng 7 tới đây.

Bên cạnh đó, tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC hướng dẫn Nghị định này (cùng có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2022) quy định đã chỉ rõ lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử như sau:

- Trước ngày 01/7/2022: chỉ bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử đối với các cơ sở kinh doanh được cơ quan thuế thông báo chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử mà đã đáp ứng được điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin.

Đồng thời, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng hóa đơn điện tử.

- Từ ngày 01/7/2022: bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, trừ một số trường hợp như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hệ thống phần mềm kế toán…

Như vậy, trừ một số trường hợp đặc biệt thì từ ngày 01/7/2022, các cơ sở kinh doanh sẽ không được sử dụng hóa đơn giấy mà phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử. Ở góc nhìn pháp lý, đây là chính sách có lợi cho doanh nghiệp trong việc sử dụng, in ấn hóa đơn đồng thời lại vừa nâng cao tính minh bạch cho các cơ quan thuế theo dõi, giám sát các hoạt động kinh tế.

3. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ

Theo Thông tư 09/2022/TT-BLĐTBXH, người lao động thuộc các đối tượng quy định tại điểm b mục 4 Phần III Quyết định số 90/QĐ-TTg sẽ được hỗ trợ khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.


Tùy vào từng đối tượng và nhu cầu của người lao động, nội dung hỗ trợ được quy định tại Điều 13 như sau:

  • Người lao động thuộc hộ nghèo, người lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài: nội dung hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Thông tư số 15/2022/TT-BTC. Căn cứ vào quy định này, người lao động sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề theo chi phí thực tế; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ; hỗ trợ tiền ăn, ở, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo; tiền trang cấp đồ dùng cá nhân; tiền đi lại và các chi phí thủ tục khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

  • Người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài: hỗ trợ tiền đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề và hỗ trợ các chi phí khác theo khoản 1 Điều 25 Thông tư số 15/2022/TT-BTC;

  • Người lao động khác đang sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài: hỗ trợ tiền đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề;

  • Người lao động và thân nhân của người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo: hỗ trợ giới thiệu, tư vấn để tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

  • Người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ để đi làm việc ở nước ngoài theo Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận: hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động.


Thông tư 09/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 11/7/2022.

4. Một số nội dung đáng chú ý trong việc triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục

Công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm được triển khai đẩy đủ ở các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các cơ sở giáo dục đại học.


Theo Thông tư 07/2022/TT-BGĐT, từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông, nhà tường cần phải tạo môi trường, hỗ trợ học sinh nhận biết hoặc được trải nghiệm, thực hành, tìm hiểu thực tế các nghề nghiệp/các nhóm ngành nghề, việc làm thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế tại cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các đối tác tối thiểu 01 lần/năm học bảo đảm phù hợp với điều kiện của nhà trường.  Ngoài ra, đối với cấp trung học phổ thông, nhà trường phải tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho học sinh tối thiểu 01 lần/năm học. Các cơ sở giáo dục đại học cần chú ý tổ chức ngày hội việc làm, tuyển dụng cho sinh viên, tổi thiểu 01 lần/năm học.

Công tác hỗ trợ khởi nghiệp được triển khai từ cấp trung học cơ sở đến cấp trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục đại học. Tùy vào từng cấp, học sinh, sinh viên sẽ được:

- Đối với cấp trung học cơ sở: được phổ biến các nội dung, được hướng dẫn, cung cấp học liệu và tạo môi trường để học sinh hình thành ý tưởng và được thực hành, trải nghiệm triển khai các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

- Đối với cấp trung học phổ thông: ngoài việc được hướng dẫn, cung cấp học liệu, học sinh sẽ được bố trí cở sở vật chất, nguồn lực, tạo môi trường để trải nghiệm, thực hành, triển khai và phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Các dự án khả thi của học sinh được kết nối với các đối tác, tổ chức ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp.

- Đối với cơ sở giáo dục đại học: sinh viên được cung cấp thông tin về các chương trình, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, được bố trí nguồn lực, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, môi trường và không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp; được tư vấn, hỗ trợ và kết nối các sự án khởi nghiệp với các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và các đối tác.

Thông tư 07/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 08/7/2022.
 
5. Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế

Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định cụ thể phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế; đầu tư hạ tầng, thành lập, hoạt động, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế.

Tại Nghị định này, cần lưu ý quy định về điều kiện chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ. Theo đó, quy định 05 điều kiện để khu công nghiệp được chuyển đổi sang phát triển khu đô thị - dịch vụ gồm:

(1) Phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

(2) Khu công nghiệp nằm trong khu vực nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh;

(3) Thời gian hoạt động từ ngày khu công nghiệp được thành lập đến thời điểm xem xét chuyển đổi tối thiểu là 15 năm hoặc 1/2 thời hạn hoạt động của khu công nghiệp;

(4) Có sự đồng thuận của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và trên 2/3 số doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại khu vực dự kiến chuyển đổi. Trừ các trường hợp sau:

  • Dự án đầu tư đã hết thời hạn hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư;

  • Dự án đầu tư không đủ điều kiện gia hạn cho thuê lại đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự;

  • Dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc diện buộc phải di dời theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;


(5) Có hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường.

Ngoài ra cần lưu ý thêm, từ ngày ngày 15/7/2022, Nghị định 35/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực và thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP, trừ một số trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều 74 của Nghị định 35/2022/NĐ-CP.

Trên đây là những nội dung nổi bật trong số những chính sách sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2022. Bằng việc tìm hiểu và nắm được những quy định pháp luật trên, các tổ chức, cá nhân liên quan có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !