Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

QUAN HỆ PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ LÀ GÌ ?

1. Khái niệm của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự

Theo Bộ luật dân sự định nghĩa: “Quan hệ pháp luật tố tụng dân sự là quan hệ giữa tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng; người giám định, người phiên dịch, người định giá tài sản và những người liên quan phát sinh trong tố tụng dân sự và được các quy phạm pháp luật tố tụng dân sự điều chỉnh.”

Quan hệ pháp luật tố tụng dân sự chính là các quan hệ xã hội được các quy phạm pháp luật tố tụng dân sự điều chỉnh. Có thể thấy, quan hệ pháp luật tố tụng dân sự là một dạng quan hệ cụ thể. Tuy nhiên, trên cơ sở tồn tại và phát triển của xã hội, các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực tố tụng dân sự cũng kéo theo sự đa dạng và phong phú của các quan hệ tố tụng dân sự.

2. Đặc điểm của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự

Các đặc điểm chung của quan hệ pháp luật dân sự:

– Là quan hệ có ý chí.

– Xuất hiện trên cơ sở các quy phạm pháp luật

– Nội dung được cấu thành bởi quyền và nghĩa vụ pháp lý mà việc thực hiện được bảo đảm bằng sự cưỡng chế Nhà nước. 

Trên cơ sở của các quy phạm pháp luật, quan hệ pháp luật dân sự có đầy đủ các đặc điểm của một quan hệ pháp luật xã hội chủ nghĩa mà tại đó các quyền và nghĩa vụ pháp lý được đảm bảo thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế Nhà nước.

Ngoài ra, quan hệ pháp luật tố tụng dân sự còn có các đặc điểm riêng như sau:

– Tòa án thường là một bên của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự.

Đặc điểm này nói về chủ thể đặc biệt, thực hiện quyền lực Nhà nước để giải quyết các vụ việc dân sự - là Tòa án. Tòa án dường như tham gia vào hầu hết các quan hệ phát sinh trong tố tụng dân sự.

– Các quan hệ pháp luật tố tụng dân sự phát sinh, tồn tại trong một thể thống nhất 

Hoạt động tố tụng dù có các chủ thể khác nhau nhưng nhìn chung cũng là liên quan đến mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

3. Thành phần của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự 

Cũng giống như các quan hệ pháp luật khác, quan hệ pháp luật tố tụng dân sự bao gồm 3 thành phần là chủ thể, khách thể và nội dung. Cụ thể phân tích dưới đây:

3.1. Khách thể 

Xét trong một vụ án dân sự, các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật tố tụng dân sự luôn muốn thực hiện những mục đích, nhiệm vụ khác nhau: như nguyên đơn mong muốn yêu cầu của mình được Tòa án chấp nhận, bị đơn mong muốn Tòa án bác yêu cầu của nguyên đơn, Tòa án mong muốn giải quyết nhanh chóng và đúng đắn được vụ việc dân sự... Và cuối cùng, mục đích chung của các chủ thể là làm sao Tòa án có thể giải quyết được yêu cầu của đương sự hay vì việc dân sự để chấm dứt tranh chấp giữa các đương sự.

Do đó, khách thể của quan hệ pháp luật tố tụng là việc giải quyết quan hệ pháp luật nội dung tranh chấp giữa các đương sự hay việc giải quyết quan hệ pháp luật nội dung có chứa đựng những sự kiện pháp lý mà tòa án có nhiệm vụ xác định. Khách thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự chính là cái mà các chủ thể mong muốn đạt được và là động lực thúc đẩy các chủ thể tham gia quan hệ.

3.2. Chủ thể

– Chủ thể của quan hệ tố tụng dân sự là những cá nhân, tổ chức tham gia vào các quan hệ pháp luật tố tụng dân sự.

Có thể chia chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng dân sự thành 03 nhóm dựa trên mục đích tham gia tố tụng và địa vị pháp lý của các chủ thể.

+ Nhóm thứ nhất: Gồm các chủ thể có nhiệm vụ quyền hạn giải quyết vụ việc dân sự, tổ chức thi hành án dân sự, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tố tụng: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan thi hành án; 

+ Nhóm thứ hai: Gồm các chủ thể tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác như: đương sự, người đại diện của đương sự; 

+ Nhóm thứ ba: Gồm các chủ thể tham gia tố tụng để hỗ trợ Tòa án trong việc giải quyết vụ việc dân sự như người làm chứng, người giám định... 

3.3. Nội dung

Nội dung quan hệ pháp luật tố tụng dân sự là quyền và các nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Quyền dân sự là cách xử sự của người có quyền năng được phép trong một khuôn khổ pháp luật. Trong những quan hệ pháp luật dân sự khác nhau thì quyền dân sự của chủ thể cũng khác nhau.

 


LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !