Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

DOANH NGHIỆP ĐANG TRONG THỜI GIAN TẠM NGỪNG KINH DOANH THÌ CÓ ĐƯỢC KÝ HỢP ĐỒNG VỚI ĐỐI TÁC HAY KHÔNG?

     1. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong trường hợp nào?
     Theo khoản 1 Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định thì “Tạm ngừng kinh doanh là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh Nghiệp 2020.
      Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.”
      Từ định nghĩa về tạm ngừng kinh doanh theo quy định trên và quy chiếu theo các quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, có thể rút ra các đặc điểm chính của hoạt động tạm ngừng kinh doanh như sau:

  • Tạm ngừng kinh doanh là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, là việc doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong một thời gian nhất định.

  • Tạm ngừng kinh doanh phải tuân thủ theo thủ tục của Luật Doanh nghiệp 2020.

  • Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh gồm hai trường hợp: Theo quyết định của doanh nghiệp, theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

      Nói một cách dễ hiểu thì tạm ngừng kinh doanh là trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định.
Tạm ngừng kinh doanh là quyền của doanh nghiệp, nó tương tự như quyền được đăng ký hoạt động, thay đổi đăng ký kinh doanh và giải thể, phá sản công ty. Tuy nhiên để thực thi quyền này thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng những quy định trước khi làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh như sau:

  • Doanh nghiệp cần soạn thảo hồ sơ tạm ngừng kinh doanh hợp lệ gửi đến cơ quan quản lý trước 03 ngày kể từ ngày chính thức tạm ngừng kinh doanh;

  • Mã số thuế, mã số doanh nghiệp không bị tạm khóa hoặc có văn bản hạn chế thay đổi của cơ quan quản lý (cơ quan thuế, phòng đăng ký kinh doanh): nhiều doanh nghiệp nợ thuế, không kê khai báo cáo thuế quá thời gian quy định hoặc bị xử phạt hành chính nhưng chưa chấp hành khiến cơ quan chức năng có những động thái này;

  • Trước khi tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp không bị treo hồ sơ hoặc chưa hoàn tất các hồ sơ liên quan khác trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp thực hiện sửa đổi thông tin công ty hoặc thêm vốn, cổ đông, thay đổi trụ sở và hoàn tất hồ sơ nộp tới Sở kế hoạch và đầu tư nhưng nhận được phản hồi yêu cầu bổ sung. Với yêu cầu này thì buộc doanh nghiệp phải hoàn tất hồ sơ hoặc thủ tục trước đó để bắt đầu quá trình nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh;

  • Đã tạm ngừng kinh doanh các đơn vị trực thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) của công ty.

      2. Doanh nghiệp đang trong thời gian tạm ngừng kinh doanh thì có được ký hợp đồng với đối tác hay không?
      Về vấn đề ký hợp đồng trong thời gian doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh thì căn cứ Điều 206 Luật Doang Nghiệp 2020 quy định về tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh như sau:
       Điều 206: Tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh
      1. Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
     2. Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh trong trường hợp sau đây:
     a) Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;
     b) Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;
     c) Đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án.
    3. Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
     4. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục phối hợp giữa Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
     Theo quy định trên thì trong quá trình tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn thành việc thực hiện hợp đồng nếu đã ký với khách hàng hay người lao động. Và khi thông báo về việc tạm ngừng đăng ký kinh doanh đúng thời gian quy định, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật. Hoặc yêu cầu tạm ngừng kinh doanh dựa trên yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan về thuế và môi trường hay các quy định của pháp luật khác. 
      Do đó, khi tạm ngừng kinh doanh, mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị hạn chế, chính vì vậy trong khoảng thời gian này thì doanh nghiệp sẽ không được ký hợp đồng mới, mà chỉ chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với những hợp đồng đã ký trước đó. 


LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !