Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

KÝ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG BAO LÂU THÌ PHẢI ĐÓNG BẢO HIỂM CHO NHÂN VIÊN?

1. Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động

 

Căn cứ theo Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:

“1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

3. Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

4. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.

5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

6. Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.

7. Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

8. Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật này.”

 

Như vậy, Người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

 

2. Ký hợp đồng bao lâu thì phải đóng bảo hiểm

 

Ký hợp đồng bao lâu thì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?

 

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về đối tượng người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc. Theo quy định này, những người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

 

Do đó, nếu khi các bên ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải đóng BHXH bắt buộc.

 

Đồng thời, tại Điều 85, Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 44 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, hằng tháng, người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải đóng BHXH với tỷ lệ như sau:

 

* Người lao động: Đóng 8% tiền lương.

 

* Người sử dụng lao động:

 

- Đóng 3% quỹ tiền lương đóng BHXH vào quỹ ốm đau và thai sản.

 

- Đóng 1% quỹ tiền lương đóng BHXH vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

 

- Đóng 14% quỹ tiền lương đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất.

 

Ký hợp đồng bao lâu thì phải đóng bảo hiểm thất nghiệp?

 

Căn cứ theo Điều 43 Luật Việc làm 2013 đã ghi nhận về đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên sẽ bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

 

Như vậy, khi ký hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên, người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải đóng bảo hiểm thất nghiệp.

 

Căn cứ Điều 57 Luật Việc làm 2013, hằng tháng, các bên sẽ phải bỏ ra một số tiền nhất định để đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể:

 

- Người lao động đóng 8% tiền lương.

 

- Người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

 

Ký hợp đồng bao lâu thì phải đóng bảo hiểm y tế?

 

 

Căn cứ khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008sửa đổi năm 2014 đã quy định đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:

 

a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);

 

b) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

 

Với quy định này, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên sẽ trở thành đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng.

 

Như vậy, nếu ký hợp đồng lao động với thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên thì các bên sẽ phải đóng bảo hiểm y tế.

 

Theo điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, hằng tháng, mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động và người sử dụng lao động được xác định như sau:

 

- Người lao động đóng 1,5 % tiền lương.

 

- Người sử dụng lao động đóng 4,5 % tiền lương của người lao động.

      

3. Lợi ích của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội

 

Bảo hiểm xã hội là một chính sách an sinh vô cùng quan trọng của Chính phủ, với các mục tiêu như chăm sóc sức khỏe, đảm bảo thu nhập cho người tham gia trong trường hợp gặp biến cố không mong muốn trong cuộc sống như bệnh tật, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, già yếu và nhiều tình huống không mong muốn khác.

 

Theo quy định, có hai hình thức tham gia cho người tham gia lựa chọn:

          

+ Đăng ký tự nguyện

          

+ Tham gia bắt buộc

 

Hiện nay người tham gia BHXH có thể nhận tối đa 6 quyền lợi khi đóng Bảo hiểm xã hội theo đúng quy định, cụ thể:

          

+ Được hưởng các quyền lợi BHXH khi ốm đau, bệnh tật

          

+ Được hưởng các quyền lợi BHXH khi mang thai và sinh con

 

+ Được hưởng các quyền lợi BHXH khi tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp

 

+ Nhận tiền lương hưu hàng tháng hoặc nhận tiền trợ cấp một lần khi về hưu

 

+ Được hưởng các trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hưởng, trợ cấp hàng tháng cho người thân khi đáp ứng các điều kiện được quy định.

 

+ Nhận khoản tiền trợ cấp Bảo hiểm xã hội 1 lần

 

4. Người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm cho người lao động bị xử lý như thế nào?

 

Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

 

“Điều 39. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

6. Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6, 7 Điều này từ 30 ngày trở lên.”

Như vậy, trường hợp người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng, đồng thời có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 7 Điều này.

 

Bảo hiểm y tế

 

Căn cứ Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi bởi khoản 28 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014) quy định về hình thức xử lý như sau:

 

“Điều 49. Xử lý vi phạm

3. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:
a) Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ bảo hiểm y tế;
b) Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế.”

 

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 80 Nghị định 117/2020/NĐ-CP cũng quy định về hình thức xử phạt như sau:

“Điều 80. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm y tế

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không đóng bảo hiểm y tế của đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế.

2. Phạt tiền đối với hành vi không đóng bảo hiểm y tế cho toàn bộ số người lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động, đóng bảo hiểm y tế không đủ số người bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động, chậm đóng bảo hiểm y tế, trốn đóng bảo hiểm y tế theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, khi vi phạm dưới 10 người lao động;
b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, khi vi phạm từ 10 đến dưới 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, khi vi phạm từ 50 đến dưới 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, khi vi phạm từ 100 đến dưới 500 người lao động;
đ) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, khi vi phạm từ 500 đến dưới 1.000 người lao động;
e) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, khi vi phạm từ 1.000 người lao động trở lên.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !