Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

GIẤY PHÉP CON LÀ GÌ? QUY TRÌNH THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP CON?


1. Giấy phép con là gì?

Giấy phép con là một thuật ngữ thường được sử dụng trong lĩnh vực doanh nghiệp. Sau khi các doanh nghiệp tiến hành thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thì các doanh nghiệp sẽ tiến hành bước tiếp theo, là đăng ký ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm. 

Tuy nhiên, với các ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt nam thì sẽ có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Đối với những ngành nghề này thì doanh nghiệp buộc phải đáp ứng các điều kiện bắt buộc theo quy định thì mới được hoạt động kinh doanh ngành nghề đó. Vì vậy, để được hợp pháp hóa ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp phải xin cấp phép chứng nhận doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện để kinh doanh ngành nghề đó. Loại giấy phép này còn được gọi là “Giấy phép con”.

2. Khi nào cần phải xin giấy phép con?

Theo Khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. 

Theo khoản 2 Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04 tháng 01 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.

Như vậy, nếu cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh các ngành nghề kinh doanh được liệt kê tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 đều phải xin giấy phép con của ngành, nghề kinh doanh đó. Nếu giấy phép hết hạn sử dụng thì phải tiến hành gia nhập hoặc cấp mới giấy phép con. 

Có thể liệt kê một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV điển hình như: Kinh doanh các loại pháo, trừ pháo nổ; Kinh doanh dịch vụ cầm đồ; Kinh doanh dịch vụ xoa bóp; Kinh doanh chứng khoán; Kinh doanh casino; Kinh doanh dịch vụ mạng xã hội; Kinh doanh vàng; Hoạt động in, đúc tiền;...

Ngoài ra, các cá nhân tổ chức kinh doanh các ngành, nghề không được liệt kê trong Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 thì không cần phải xin giấy phép con.

3. Quy trình thủ tục xin cấp giấy phép con?

3.1. Hồ sơ xin cấp phép

Pháp luật quy định  đối với từng loại ngành, nghề có điều kiện, cá nhân tổ chức chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền để xin giấy phép con cho ngành, nghề đó. Một số giấy tờ thường có khi tiến hành thủ tục xin cấp phép như:

  • Văn bản đề nghị cấp Giấy phép con;

  • Đề án hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;

  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

  • Lý lịch của người đứng đầu doanh nghiệp có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;

  • Danh sách trích ngang của các nhân viên;

  • Giấy chứng nhận đã tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ của người đứng đầu doanh nghiệp;

  • Giấy giới thiệu;

  • Các loại giấy tờ khác theo quy định pháp luật.


3.2. Ví dụ về thủ tục xin cấp giấy phép con

Ví dụ một doanh nghiệp muốn xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế thì cần những hồ sơ sau đây: 

  • Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế (Mẫu số 04 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017);

  • Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

  • Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế;

  • Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành; hoặc bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác và bản sao có chứng thực chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế. Văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

  • Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Quy trình xin cấp giấy phép con đối với dịch vụ lữ hành quốc tế sẽ là: 

- Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế nộp hồ sơ đến Tổng cục Du lịch.

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Du lịch thẩm định, cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp và thông báo cho Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi doanh nghiệp có trụ sở; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !