Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

HỢP TÁC XÃ LÀ GÌ? HỢP TÁC XÃ CÓ TƯ CÁCH PHÁP NHÂN KHÔNG?

1. Hợp tác xã là gì ?

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã năm 2012 thì:

“Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.”

Vậy hợp tác xã có thể hiểu là sự hợp tác xã hội mang lại lợi ích cho nhau. Việc thành lập hợp tác xã  là việc các cá nhân cùng nhau góp vốn thành lập một tổ chức kinh tế,  cùng nhau hoạt động và phân chia lợi nhuận. Đồng thời khi thành lập đều phải đăng ký tại Cơ quan có thẩm quyền giống với việc thành lập công ty

Theo đó, Hợp tác xã hoạt động dựa theo các nguyên tắc được quy định tại Điều 7 Luật Hợp tác xã năm 2012:

“1. Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi hợp tác xã. Hợp tác xã tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi liên hiệp hợp tác xã.

2. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kết nạp rộng rãi thành viên, hợp tác xã thành viên.

3. Thành viên, hợp tác xã thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định của điều lệ.

4. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật.

5. Thành viên, hợp tác xã thành viên và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có trách nhiệm thực hiện cam kết theo hợp đồng dịch vụ và theo quy định của điều lệ. Thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được phân phối chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm.

6. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, hợp tác xã thành viên, cán bộ quản lý, người lao động trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thông tin về bản chất, lợi ích của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

7. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chăm lo phát triển bền vững cộng đồng thành viên, hợp tác xã thành viên và hợp tác với nhau nhằm phát triển phong trào hợp tác xã trên quy mô địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.”

2. Hợp tác xã có tư cách pháp nhân không?

Căn cứ theo định nghĩa về hợp tác xã tại khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã 2012 đã khẳng định hợp tác xã có tư cách pháp nhân.

Về tư cách pháp nhân, một tổ chức nói chung hoặc tổ chức kinh tế nói riêng sẽ được công nhận là pháp nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015 các điều kiện đó gồm:

“1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.”

Trên cơ sở những điều kiện này, xem xét tư cách pháp nhân của hợp tác xã có thể thấy:

Một là, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế được thành lập một cách hợp pháp theo quy định chung của Bộ luật Dân sự năm 2015, và quy định cụ thể trong Luật hợp tác xã năm 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP.

Cụ thể: Để thành lập được một hợp tác xã thì căn cứ theo quy định từ Điều 19 đến Điều 28 Luật hợp tác xã năm 2012, trước hết phải có một người được xác định là sáng lập viên – người phát sinh ý tưởng thành lập hợp tác xã thực hiện việc cam kết sáng lập, tham gia thành lập hợp tác xã và đứng ra vận động, tuyên truyền để “chiêu mộ”, thu hút người khác tham gia vào tổ chức hợp tác xã, đồng thời tạo dựng phương án sản xuất kinh doanh của hợp tác xã, dự thảo điều lệ và những công việc cần thiết khác.

Sau đó, sáng lập viên sẽ thực hiện việc tổ chức hội nghị thành lập hợp tác xã với sự tham gia của các thành viên có nguyện vọng tham gia, gia nhập vào hợp tác xã. Hội nghị thành lập hợp tác xã sẽ thực hiện việc thông qua quyết định thành lập, các nội dung về cơ cấu, phương án hoạt động, điều lệ và các nội dung khác liên quan đến sự thành lập và phát triển của hợp tác xã.

Tiếp theo, trước khi chính thức đi vào hoạt động thì hợp tác xã phải thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi hợp tác xã dự định đặt trụ sở chính. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đăng ký hợp tác xã được xác định là Liên hiệp hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân đăng ký tại phòng đăng ký kinh doanh thuộc sở kế hoạch và đầu tư; hoặc Hợp tác xã đăng ký tại phòng tài chính – kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Sau khi hoàn tất thủ tục, hồ sơ đăng ký hợp tác xã theo đúng quy định của pháp luật và đáp ứng đủ các điều kiện để thành lập hợp tác xã thì hợp tác xã này sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.

Như vậy, hợp tác xã là một tổ chức được thành lập một cách chặt chẽ với trình tự, thủ tục đều phải chấp hành theo đúng quy định của pháp luật và được sự công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hai làCũng giống như các tổ chức được công nhận là pháp nhân khác theo quy định tại Điều 83 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp tác xã, trong cơ cấu tổ chức cũng có cơ quan điều hành với những chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được quy định chung trong điều lệ và quyết định thành lập hợp tác xã. Cụ thể:

Hợp tác xã được tổ chức theo hướng gồm các cơ quan điều hành như đại hội thành viên, hội đồng quản trị, giám đốc (hoặc tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên. Trong đó:

- Đại hội thành viên là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của hợp tác xã, thường thực hiện thông qua các hình thức tổ chức đại hội thành viên thường niên và đại hội thành viên bất thường. Việc triệu tập, tổ chức đại hội thành viên cũng như các quyền hạn và nhiệm vụ của đại hội thành viên được thực hiện theo quy định tại Luật hợp tác xã năm 2012, và quy định chung trong Điều lệ hợp tác xã.

- Hội đồng quản trị hợp tác xã là cơ quan quản lý hợp tác xã, gồm chủ tịch và thành viên trong đó số lượng thành viên của hội đồng quản trị sẽ do điều lệ quy định cụ thể nhưng tối đa không quá 15 người và tối thiểu ít nhất là 03 người. Hội đồng quản trị do hội nghị thành lập hoặc do đại hội thành viên bầu, với nhiệm kỳ do Điều lệ Hợp tác xã quy định cụ thể, nhưng được giới hạn từ 3 – 5 năm. Hội đồng quản trị được sử dụng con dấu của hợp tác xã để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

- Giám đốc (hoặc Tổng giám đốc) là người trực tiếp điều hành, và quản lý các hoạt động của hợp tác xã.

- Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên là bộ phận hoạt động độc lập, do đại hội thành viên bầu trực tiếp trong số thành viên hợp tác xã theo hình thức bỏ phiếu và có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của hợp tác xã theo quy định của Điều lệ hợp tác xã và Luật. Ban kiểm soát có số lượng thành viên không quá 07 người.

Lưu ý: Đối với các hợp tác xã có từ 30 thành viên trở lên thì bắt buộc phải thành lập ban kiểm soát, còn trường hợp có dưới 30 thành viên trở xuống thì hợp tác xã có thể thành lập ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên theo nội dung của Điều lệ hợp tác xã đó.

Ba là, Quy định về tính độc lập, tự chủ, và tự chịu trách nhiệm của hợp tác xã không chỉ được khẳng định trong khái niệm “hợp tác xã” mà nó còn thể hiện trong quy định về cơ chế hoạt động, nguyên tắc hoạt động và đặc biệt là tài sản, tài chính của hợp tác xã. 

Bốn là, Hợp tác xã, trong quá trình thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn toàn có thể nhân danh mình để tự tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Do vậy, Hợp tác xã cùng với các hình thức tổ chức kinh tế khác; ngày càng thể hiện vai trò của mình trong việc thể hiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; đóng góp không nhỏ trong việc phát triển kinh tế – xã hội của nước ta. Việc có tư cách pháp nhân giúp cho hợp tác xã phát huy tính độc lập, tự chủ; tạo ra lợi thế trong việc tham gia các giao dịch cũng như các hoạt động kinh doanh thương mại.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !