Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

VI PHẠM HÀNH CHÍNH CÓ TỔ CHỨC, TÍNH CHẤT CÔN ĐỒ LÀ GÌ?

1. Vi phạm hành chính là gì? 


Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định:


“Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.


Theo đó, vi phạm hành chính là một loại hành vi trái với quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không đến mức phải xử lý hình sự. Vi phạm hành chính cần thỏa mãn các yếu tố sau:

         

- Về chủ thể: Là cá nhân hoặc tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Theo khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm hành chính do lỗi cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt hành chính về mọi hành vi vi phạm hành chính do mình gây ra; tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra; cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.


- Về khách thể: Là quan hệ xã hội bị xâm hại do vi phạm hành chính, thường là trật tự quản lý nhà nước. 


- Về mặt khách quan: Bao gồm hành vi vi phạm, hậu quả của hành vi vi phạm, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ và phương tiện vi phạm, địa điểm và thời gian thực hiện vi phạm. 


- Về mặt chủ quan: Liên quan đến lỗi của người vi phạm (cố ý hoặc vô ý), động cơ và mục đích của hành vi vi phạm.


Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính có thể bao gồm phạt tiền, cảnh cáo, tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc tháo dỡ công trình… Mức độ xử phạt phụ thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm.


2. Vi phạm hành chính có tổ chức là gì?


Căn cứ khoản 7 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định:


“Vi phạm hành chính có tổ chức là trường hợp cá nhân, tổ chức câu kết với cá nhân, tổ chức khác để cùng nhau thực hiện hành vi vi phạm hành chính”.


Tại khoản 10 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về khái niệm của tổ chức: 


Tổ chức là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật”.


Theo đó, cần phân biệt cụm từ "tổ chức" trong tình tiết vi phạm hành chính có tổ chức với tổ chức vi phạm hành chính. Có thể thấy, vi phạm hành chính có tổ chức dùng để chỉ tính chất, đặc điểm của hành vi vi phạm hành chính, còn tổ chức vi phạm hành chính dùng để chỉ chủ thể của hành vi vi phạm hành chính. Việc xác định vi phạm hành chính có tổ chức đòi hỏi sự đánh giá cụ thể dựa trên từng trường hợp cụ thể và việc xử lý cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật.


3. Vi phạm hành chính có tính chất côn đồ là gì?


Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể thế nào là vi phạm hành chính có tính chất côn đồ, do đó việc xác định còn mang tính định tính và chủ yếu dựa vào nhận thức và quan điểm của từng người.


Theo từ điển Tiếng Việt thì “côn đồ” được hiểu là danh từ dùng để chỉ kẻ chuyên gây sự hay hành hung và sẵn sàng sử dụng vũ lực tấn công chủ thể khác mà không cần thông qua hòa giải hay lý lẽ giải thích phải trái nếu có xảy ra bất kỳ mâu thuẫn, xung đột nào. 


Tuy nhiên, cần phân biệt côn đồ với hành vi có tính chất côn đồ. Cụ thể, côn đồ là nói đến một cá nhân cụ thể; trong khi hành vi có tính chất côn đồ được hiểu là hành vi của một người hoặc nhóm người khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.


Tham khảo hướng dẫn về tình tiết “có tính chất côn đồ” trong pháp luật hình sự Việt Nam thì tại Công văn 38/NCPL ngày 06/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án nhân dân vào năm 1995 thì côn đồ được hiểu là hành động của những người coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích hoặc hay dùng vũ lực để thực hiện việc uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ mà đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của những người này thường là xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng và danh dự của người khác, gây gổ hành hung người khác một cách rất vô cớ hoặc chỉ vì duyên cớ nhỏ.


Như vậy, có thể hiểu vi phạm hành chính có tính chất côn đồ trong pháp luật Việt Nam thường liên quan đến các hành vi phạm tội một cách quyết liệt, không tương xứng với mâu thuẫn hoặc hoàn cảnh và thường xuất phát từ những nguyên cớ nhỏ nhặt hoặc không có nguyên cớ. Đây là những hành vi mà người phạm tội sẵn sàng sử dụng vũ lực một cách hung hăng và không cần thiết.


Để đánh giá một hành vi có “tính chất côn đồ” hay không, cần xem xét nhiều yếu tố như nhân thân của người phạm tội; hung khí, công cụ, phương tiện và cách thức sử dụng; cường độ và vị trí tấn công; tương quan lực lượng; lỗi của các bên trong mâu thuẫn; mâu thuẫn đã có từ trước hay mới phát sinh; không gian, thời gian, địa điểm và các điều kiện khác liên quan đến vụ việc.


4. Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính có tổ chức, tính chất côn đồ


Tại Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính nói chung và các hành vi vi phạm hành chính có tổ chức, tính chất côn đồ nói riêng bao gồm:


- Tạm giữ người: Áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.


- Áp giải người vi phạm: Đưa người vi phạm đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý.


- Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính: Bao gồm giấy phép, chứng chỉ hành nghề liên quan đến vi phạm.


- Khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật, nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính: Để tìm kiếm tang vật, phương tiện liên quan đến vi phạm.


- Quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.


- Giao cho gia đình, tổ chức quản lý: Người đang được làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính.


- Truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định: Đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp bỏ trốn.


Tại Điều 120 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng nhấn mạnh rằng việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn phải tuân thủ nghiêm ngặt về trình tự, thủ tục và chỉ được áp dụng trong những trường hợp thật sự cần thiết.


Như vậy. vi phạm hành chính có tổ chức, tính chất côn đồ, thường liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện bởi cá nhân hoặc một nhóm người có sự tổ chức và chuẩn bị kỹ lưỡng. Các hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội mà còn thể hiện sự coi thường pháp luật và quyền lợi của người khác. Việc xác định và xử lý nghiêm minh những vi phạm này là cần thiết để duy trì sự công bằng và an ninh trong cộng đồng. Đây cũng là cơ sở để pháp luật có những biện pháp răn đe và phòng ngừa hiệu quả, góp phần vào việc xây dựng một xã hội pháp quyền và văn minh.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !