1. Thanh tra giao thông là gì?
Thanh tra giao thông hay còn cách gọi thường là Thanh tra viên ngành Giao thông vận tải. Thanh tra giao thông là những công chức của Thanh tra Bộ, Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam, Thanh tra Sở được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh Thanh tra (Theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 57/2013/NĐ-CP).
Thanh tra giao thông có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật thanh tra, pháp luật giao thông vận tải và điều ước quốc tế có liên quan. Họ có quyền buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính bằng các biện pháp nghiệp vụ.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của thanh tra giao thông thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 86 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thanh tra giao thông có những nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
- Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính trong việc chấp hành quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình. Trường hợp cấp thiết, để ngăn chặn kịp thời hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, thì được phép dừng phương tiện và yêu cầu người điều khiển thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó;
- Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính trong việc chấp hành quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí, trạm kiểm tra tải trọng xe và tại cơ sở kinh doanh vận tải.
- Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính trong việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe, hoạt động đăng kiểm xe cơ giới. Việc thanh tra đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe của lực lượng quân đội, công an do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định riêng.
- Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định.
3. Thanh tra giao thông có được dừng xe không?
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 86 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì thanh tra giao thông có quyền thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ. Trường hợp cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả thì được phép dừng phương tiện.
Như vậy, thanh tra giao thông được quyền dừng xe người đi đường. Tuy nhiên, không phải bất cứ vi phạm nào cũng được dừng xe.
Cụ thể tại Điều 15 Thông tư 02/2014/TT-BGTVT quy định rõ các trường hợp thanh tra giao thông được phép dừng xe bao gồm:
1. Buộc chấm dứt hành vi vi phạm giao thông.
2. Khi phát hiện xe có dấu hiệu vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật công trình nhằm kịp thời ngăn chặn hậu quả, cụ thể bao gồm:
- Lỗi vượt quá tải trọng cho phép.
- Lỗi vượt khổ giới hạn cho phép.
- Xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không có biện pháp bảo vệ đường.
- Đổ đất, vật liệu xây dựng, phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ.
4. Thanh tra giao thông được bắt những lỗi gì?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, thanh tra giao thông được bắt các lỗi sau đây:
- Lỗi vi phạm quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ tại điểm dừng, đỗ xe, bãi đỗ xe, bến xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí, trạm kiểm tra tải trọng, cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ.
- Lỗi vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ.
- Lỗi vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ.
- Lỗi vi phạm về đào tạo sát hạch, cấp Giấy phép lái xe.
- Lỗi vi phạm về hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.
- Một số hành vi vi phạm khác như: Ô tô đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy nhưng không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm; ô tô dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông; xe máy không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;…
5. Quy trình dừng xe của thanh tra giao thông thế nào?
Căn cứ Điều 16 Thông tư 02/2014/TT-BGTVT, thanh tra giao thông khi dừng xe người đi đường phải thực hiện theo quy trình sau:
Bước 1: Ra hiệu lệnh dừng xe và hướng dẫn phương tiện đỗ vào vị trí phù hợp và an toàn để thực hiện việc kiểm tra.
Hiệu lệnh này được thực hiện thông qua: Gậy chỉ huy giao thông hoặc biển hiệu lệnh STOP; Còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện; Barie hoặc rào chắn.
Bước 2: Yêu cầu lái xe xuống và phối hợp kiểm tra.
Khi phương tiện đã dừng ở vị trí theo hướng dẫn, thanh tra giao thông yêu cầu lái xe xuống xe, xuất trình giấy tờ để kiểm tra.
Khi cần thiết có thể tiến hành cân, đo, đếm, kiểm tra chứng từ để xác định tải trọng trục xe, tổng trọng lượng xe, kích thước hàng hóa, khổ giới hạn của phương tiện.
Bước 3: Ngăn chặn và xử lý vi phạm
Tùy theo hành vi vi phạm giao thông mà thanh tra giao thông sẽ yêu cầu người điều khiển xe hạ tải ngay phần quá tải, dỡ phần quá khổ, lắp guốc vào bánh xích hoặc dọn chuyển ngay phần đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác đã bị đổ trái phép.
Sau đó tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm giao thông theo quy định.
6. Thanh tra giao thông được kiểm tra giấy tờ gì?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 16 Thông tư 02/2014/TT-BGTVT, khi dừng phương tiện thanh tra giao thông được yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ để kiểm tra.
Các giấy tờ mà thanh tra giao thông yêu cầu kiểm tra sẽ bao gồm các giấy tờ liên quan đến phương tiện và giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải.
Đơn cử có thể liệt kê một số loại giấy tờ như:
- Đăng ký xe.
- Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới.
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới (còn gọi là giấy đăng kiểm).
- Giấy phép lưu hành đối với xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng khi di chuyển trên đường bộ.
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (còn gọi là bảo hiểm bắt buộc ô tô, xe máy).
- Lệnh vận chuyển đối với xe hoạt động vận chuyển khách theo tuyến cố định, xe buýt;
- Hợp đồng vận tải đối với xe hoạt động vận chuyển khách theo hợp đồng, du lịch;
- Giấy vận tải (giấy vận chuyển) đối với xe hoạt động vận tải hàng hoá…
Như vậy, thanh tra có quyền được phép dừng xe theo quy định trên. Vậy nên, khi tham gia giao thông bạn hãy tuân thủ pháp luật và mang theo đầy đủ giấy tờ.
LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Hotline: 0983 198 382
Email: luatkhangtri@gmail.com
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.