Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP CẦN CHÚ Ý VỀ VẤN ĐỀ CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Quyền sử dụng đất là tài sản có giá trị, các giao dịch liên quan đến tài sản này dù đã rất phổ biến nhưng cũng dễ dẫn đến tranh chấp do các quy định của pháp luật về vấn đề này tương đối phức tạp, người tham gia các giao dịch thường bỏ sót, không tuân thủ quy định của pháp luật trong thực hiện các giao dịch quyền sử dụng đất, đặc biệt là chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Về phía doanh nghiệp, bên cạnh những quy định  về giao dịch quyền sử dụng đất, khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, doanh nghiệp còn phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định liên quan với tư cách là một tổ chức. 

  1. Điều kiện để thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, doanh nghiệp thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây: 

  • Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

  • Đất không có tranh chấp;

  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

  • Trong thời hạn sử dụng đất.

Đối với trường hợp doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê thì còn phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 194 Luật Đất đai 2013 như sau:

“1. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy định của Chính phủ về điều kiện loại đô thị để cho phép chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô sau khi đã hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và nghĩa vụ tài chính về đất đai;

b) Đối với các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở thì được chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có Giấy chứng nhận. Người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải thực hiện dự án đầu tư đúng theo tiến độ đã được phê duyệt.

2. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 188 của Luật này;

b) Dự án phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt.”

Về thời điểm được thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất của doanh nghiệp, Điều 168 Luật Đất đai 2013 quy định trong trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính, doanh nghiệp phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền; thời điểm người thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê; chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời chuyển nhượng toàn bộ dự án đối với dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê sau khi có Giấy chứng nhận và có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 194 của Luật Đất đai 2013 (như đã trích trên). 

  1. Điều kiện về hình thức

Theo Điều 502 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng về quyền sử dụng đất mà cụ thể ở đây là Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản. Đồng thời căn cứ theo điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ  trường hợp kinh doanh bất động sản thì việc công chứng hoặc chứng thực được thực hiện theo yêu cầu của các bên. 

Ngoài ra, khoản 2 Điều 64 Luật Đất đai 2013 về Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định:

“2. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư.”

Như vậy, trong trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung chẳng hạn như được xác lập trên cơ sở hợp đồng hợp tác, Doanh nghiệp là một trong những chủ sở hữu đối với quyền sử dụng đất thì việc chuyển nhượng phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền cho Doanh nghiệp thực hiện chuyển nhượng. 

Trên đây là những vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp cần lưu ý khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Để bảo đảm giao dịch được an toàn, doanh nghiệp cần nghiên cứu và thực hiện đúng quy định của pháp luật về những vấn đề trên. 

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !