Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

NGƯỜI VIỆT NAM PHẠM TỘI Ở TÂY BAN NHA, XỬ LÝ THEO PHÁP LUẬT NƯỚC NÀO?

Vụ việc 2 nghệ sĩ người Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục tại Tây Ban Nha là một trong những tin tức nổi bật khiến nhiều người quan tâm. Mặc dù vụ việc vẫn chưa có kết luận chính thức nhưng nhiều người đã đặt câu hỏi về việc họ sẽ bị xử lý như thế nào. Nhưng trước khi bàn đến việc pháp luật sẽ xử lý như thế nào thì một câu hỏi khác được đặt ra rằng, pháp luật nước nào sẽ được áp dụng khi họ là công dân Việt Nam nhưng có hành vi phạm tội tại Tây Ban Nha?

Căn cứ khoản 1 Điều 6 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (gọi tắt là “BLHS”) hiệu lực của BLHS đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam được áp dụng như sau:

1. Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này”.

Như vậy, không chỉ phạm tội ở Việt Nam mới bị xử lý mà người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, việc xử lý tội phạm diễn ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam không chỉ nằm ở vấn đề tội gì, hình phạt gì mà còn phải căn cứ vào phạm vi và nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự theo Điều 491 và Điều 492 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015:
Điều 491. Phạm vi hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự

1. Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự là việc các cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phối hợp, hỗ trợ nhau để thực hiện hoạt động phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

2. Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự gồm tương trợ tư pháp về hình sự; dẫn độ; tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và các hoạt động hợp tác quốc tế khác được quy định tại Bộ luật này, pháp luật về tương trợ tư pháp và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, theo quy định của Bộ luật này, pháp luật về tương trợ tư pháp và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan”.

Điều 492. Nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự

1. Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Trường hợp Việt Nam chưa ký kết hoặc chưa gia nhập điều ước quốc tế có liên quan thì việc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế”.

Theo đó, đối với các hành vi phạm tội xảy ra ở nước ngoài thì việc xử lý tội phạm phải căn cứ vào các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và các nước. Dựa trên danh mục các hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý thì Việt Nam và Tây Ban Nha đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp vào ngày 18/9/2015, có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 08/7/2017. Và việc xử lý tội phạm có thể xảy ra hai trường hợp: trường hợp thứ nhất là có thể dẫn độ về Việt Nam để Việt Nam xử lý; trường hợp thứ hai là xử lý tại Tây Ban Nha và chấp hành hình phạt tại đây, và tất nhiên trong trường hợp này sẽ áp dụng pháp luật Tây Ban Nha để xử lý. Về chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự, Điều 20 Hiệp định quy định:

“1. Thông qua Cơ quan trung ương, các Bên có thể chuyển giao việc truy cứu trách nhiệm hình sự cho các cơ quan tư pháp của Bên kia khi xét thấy Bên đó có điều kiện thuận lợi hơn để tiến hành việc điều tra, truy tố và xét xử tội phạm.

2. Bên được yêu cầu phải thông báo cho Bên yêu cầu thủ tục tố tụng áp dụng đối với vụ án được chuyển giao và, nếu thấy phù hợp, gửi cho Bên yêu cầu bản sao quyết định được ban hành”.

Tội hiếp dâm ở Việt Nam bị xử lý như thế nào?

Điều 141 BLHS quy định về tội hiếp dâm như sau:

Điều 141. Tội hiếp dâm

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

c) Nhiều người hiếp một người;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Có tính chất loạn luân;

g) Làm nạn nhân có thai;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên;

b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Theo quy định trên thì người phạm tội hiếp dâm có thể bị phạt tù từ 02 năm hoặc chung thân. Nhưng riêng đối với trường hợp thực hiện “hiếp dâm” với với người dưới 18 tuổi (nhưng từ đủ 16 tuổi trở lên) thì mức phạt tù thấp nhất là 05 năm.

Bên cạnh đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự còn phải căn cứ vào thời hiệu được quy định. Theo đó, thời hiệu yêu cầu khởi tố Tội hiếp dâm tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm. Và mức độ nghiêm trọng này được xác định dựa vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà dẫn chứng trực quan nhất chính là mức cao nhất của khung hình phạt. Trong trường hợp này, thời hiệu truy cứu sẽ là 10 năm đối với tội phạm theo khoản 1; 15 năm đối với tội phạm theo khoản 2 và khoản 4; và 20 năm đối với khoản 3 Điều 141 BLHS.

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !