Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

QUYỀN ĐỊNH ĐOẠT CỦA CHỦ SỞ HỮU?

Quyền định đoạt là gì?

Căn cứ Điều 192 Bộ luật Dân sự 2015: “Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.”

Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện không trái quy định của pháp luật. Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.

Điều kiện định đoạt

  • Về năng lực hành vi: Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật

  • Trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về định đoạt tài sản: Trong trường hợp pháp luật có quy định về trình tự, thủ tục định đoạt thì cần phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục đó.

Theo đó mà các chủ thể có quyền định đoạt bằng hành vi và làm chủ về ý chí của mình thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản, tùy thuộc vào nhu cầu, mong muốn của chủ thể. Có thể thấy quyền định đoạt được thực hiện ở hai góc độ khác nhau:

  • Định đoạt số phận thực tế của tài sản: Tức là dùng các hành vi tác động đến tài sản khiến cho chúng không còn tồn tại trên thực tế. Ví dụ: Chủ sở hữu tiêu dùng hết các tài sản có tính tiêu hao như: ăn uống các đồ lương thực, thực phẩm; dùng hết các đồ mỹ phẩm, dược phẩm... Hoặc chủ sở hữu có thể tiêu hủy tài sản khiến chúng biến mất như đốt tài sản, chặt phá chúng khiến cho tài sản không thể sử dụng được theo đúng tính năng, công dụng của mình; 

  • Định đoạt số phận pháp lý của tài sản thông qua hai hình thức: chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho chủ thể khác bằng việc xác lập các hợp đồng như bán, tặng cho, trao đổi tài sản cho người khác. Đây là những hợp đồng mà chuyển giao đồng thời cả ba quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt cho người khác một cách vĩnh viễn.

Quy định về quyền định đoạt

Theo Điều 194 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau: “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.

Điều luật trên đã liệt kê những hành vi mà chủ sở hữu có thể thực hiện để định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình, các loại hành vi này có mục đích chuyển quyền sở hữu đối với tài sản gồm:

  • Chủ sở hữu xác hợp đồng như: bán, trao đổi, tặng cho, cho vay;

  • Chủ sở hữu thực hiện hành vi pháp lý đơn phương định đoạt tài sản như để thừa kế thông qua lập di chúc; từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản.

Bên cạnh đó, chủ sở hữu còn có thể thực hiện các hành vi định đoạt bản thể vật chất của tài sản như tiêu dùng hay tiêu hủy tài sản.

Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu

Điều 195 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau: “Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật.” Như vậy, khi một chủ thể không phải chủ sở hữu nhưng lại có quyền định đoạt đối với tài sản khi có căn cứ:

  • Theo sự ủy quyền định đoạt của chủ sở hữu

Người được ủy quyền nhân danh chủ sở hữu để xác lập các hợp đồng bán, tặng cho, trao đổi, cho vay vì lợi ích của chủ sở hữu. Theo quy định của Điều 55 Luật công chứng 2014: “Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.”

  • Theo quy định của pháp luật

Những người không phải chủ sở hữu có quyền định đoạt tài sản theo quy định của pháp luật. Đó là các trường hợp: cơ quan thi hành án có quyền ký hợp đồng thuê bán đấu giá tài sản; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý những tài sản vi phạm quy định của pháp luật để sung công quỹ; bên giữ tài sản có quyền bán tài sản nếu những tài sản đó có nguy cơ hư hỏng, mất giá trị nếu không được xử lý ngay.. 

Quyền định đoạt tài sản có bị hạn chế không?

Điều 196 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

  • Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định.

  • Khi tài sản đem bán là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.

Trường hợp cá nhân, pháp nhân có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó.

Như vậy, căn cứ dựa trên các Điều luật này chỉ ra nguyên tắc định đoạt đối với tài sản, đó là chủ thể có toàn quyền định đoạt tài sản theo ý mình (như chọn người nhận chuyển giao quyền sở hữu, cách thức định đoạt…) và quyền này chỉ bị hạn chế trong trường hợp luật quy định. Để cụ thể hóa thì điều luật quy định hai trường hợp mà chủ thể phải dành ưu tiên mua cho những chủ thể này và Nhà nước có quyền ưu tiên mua khi tài sản định đoạt là di tích, lịch sử văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa theo quy định của pháp luật (căn cứ khoản 3 Điều 218 Bộ luật dân sự 2015).

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !