1. Khái niệm “Quyền tác giả”, “Quyền công bố tác phẩm”
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Theo đó, “quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm” là một quyền nhân thân được quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ 2005.
Mặc dù Luật sở hữu trí tuệ không định nghĩa thế nào là “Quyền công bố tác phẩm” nhưng theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 17/2023/NĐ-CP Quy định định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan ban hành ngày 26/4/2023 có quy định:
“Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng bản sao đủ để đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng tuỳ theo bản chất của tác phẩm, do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc do cá nhân, tổ chức khác thực hiện với sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả”.
2. Tác phẩm văn học có được bảo hộ quyền tác giả không?
Theo điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2005, tác phẩm văn học được bảo hộ quyền tác giả với điều kiện tác phẩm đó phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
3. Thời hạn bảo hộ quyền công bố tác phẩm văn học của tác giả là suốt cuộc đời tác giả?
Như đã nêu ở phần định nghĩa về quyền tác giả, quyền công bố tác phẩm là một quyền nhân thân, vì vậy thời hạn bảo hộ đối với quyền công bố tác phẩm được quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ 2005:
“2. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau:
a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;
b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;
c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.”
Vì tác phẩm văn học là một loại hình đặc thù không thuộc các loại hình quy định tại điểm a khoản 2 Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ 2005, do đó, thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm văn học là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết, trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết theo (điểm b khoản 2 Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ 2005).
LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Hotline: 0983 198 382
Email: luatkhangtri@gmail.com
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.