Thành công của khách hàng

Là thành công chúng tôi

Tiếng Việt English

GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ BỐ TRÍ MẠCH TÍCH HỢP BÁN DẪN CÓ PHẢI LÀ VĂN BẰNG BẢO HỘ KHÔNG? PHẠM VI HIỆU LỰC CỦA GIẤY CHỨNG NHẬN?

1. Khái niệm về thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và văn bằng bảo hộ

 

Căn cứ khoản 15 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: 

 

“Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn”. 

 

Đồng thời tại khoản 25 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 cũng quy định:

 

Văn bằng bảo hộ là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; quyền đối với giống cây trồng”. 

 

Như vậy có thể hiểu Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là văn bản ghi nhận về thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được đăng ký cùng với đó sẽ phát sinh hiệu lực bảo vệ tác giả đăng ký và các chủ sở hữu khác có quyền với thiết kế bố trí này. 

 

2. Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có phải là văn bằng bảo hộ? 

 

Căn cứ theo khoản 3 Điều 92 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có quy định: 

 

“Văn bằng bảo hộ gồm Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý”. 

 

Theo đó, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là một loại văn bằng bảo hộ.

 

3. Phạm vi hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

 

Theo khoản 1 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có quy định: “Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam”. 

 

Đồng thời, tại khoản 5 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về phạm vi hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn: 

 

Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:

a) Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn;

b) Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;

c) Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí”. 

 

Theo quy định này thì Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:

 

- Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn;

 

- Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;

- Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.

 

Cũng theo quy định này thì giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

 

4. Điều kiện để thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được bảo hộ 

 

Tại Điều 68 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định điều kiện chung đối với thiết kế bố trí được bảo hộ: 

 

“Thiết kế bố trí được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Có tính nguyên gốc;

2. Có tính mới thương mại”. 

 

Theo đó tại Điều 70 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về tính nguyên gốc của thiết kế bố trí: 

 

Thiết kế bố trí được coi là có tính nguyên gốc nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

 

- Là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả;

 

- Chưa được những người sáng tạo thiết kế bố trí và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí đó.

 

Thiết kế bố trí là sự kết hợp các phần tử, các mối liên kết thông thường chỉ được coi là có tính nguyên gốc nếu toàn bộ sự kết hợp đó có tính nguyên gốc theo quy định trên. 

 

Tại Điều 71 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định tính mới thương mại của thiết kế bố trí: 

 

Thiết kế bố trí được coi là có tính mới thương mại nếu chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký.

 

Thiết kế bố trí không bị coi là mất tính mới thương mại nếu đơn đăng ký thiết kế bố trí được nộp trong thời hạn hai năm kể từ ngày thiết kế bố trí đó đã được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác nhằm mục đích thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.

 

Khai thác thiết kế bố trí nhằm mục đích thương mại quy định tại khoản b phần này là hành vi phân phối công khai nhằm mục đích thương mại đối với mạch tích hợp bán dẫn được sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn đó.

 

Như vậy, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là văn bằng bảo hộ. Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam, có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn. Thời gian sớm nhất để hết hiệu lực tính theo mười năm kể từ ngày nộp đơn theo quy định tại khoản 5 Điều 93 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005. 

 

LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:

Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hotline: 0987 140 772

Email:

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.

Luật Khang Trí – Giải pháp của thành công !