1. Thừa kế đất đai không có di chúc là gì?
Thừa kế đất đai không có di chúc là một trong hai hình thức chia thừa kế tài sản là đất đai theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.
Theo đó, người thừa kế sẽ được nhận di sản thông qua hai hình thức: Theo di chúc và khi không có di chúc thì nhận thừa kế theo pháp luật.
Do đó, thừa kế đất đai không có di chúc là hình thức nhận thừa kế mà người thừa kế sẽ nhận di sản theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
2. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
Căn cứ theo Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:
“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.
Do đó, những trường hợp sẽ áp dụng thừa kế đất đai không có di chúc là:
- Người để lại di sản không lập di chúc hoặc di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
- Cơ quan, tổ chức được thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
3. Điều kiện về đất đai để lại thừa kế không có di chúc là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 (khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024) quy định về điều kiện thực hiện quyền thừa kế quyền sử dụng đất như sau:
“a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất”.
Ngoài ra tại điểm đ khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 bổ sung thêm điều kiện đó là Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Theo đó, các điều kiện về đất đai để thực hiện quyền thừa kế không có di chúc là:
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Đất vẫn còn trong thời hạn sử dụng đất;
- Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
4. Những người có quyền thừa kế đất đai khi không có di chúc?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”.
Theo đó, những người có thể thừa kế đất đai không có di chúc được phân loại thành 03 hàng thừa kế với những đối tượng khác nhau. Những người thừa kế cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng di sản ngang nhau.
Lưu ý: Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản (theo khoản 3 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015).
5. Thủ tục nhận thừa kế đất đai không có di chúc
Thủ tục nhận thừa kế đất đai không có di chúc chính là thủ tục khai nhận hoặc thoả thuận phân chia di sản thừa kế. Do tài sản là đất đai nên căn cứ điểm c khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 (khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024), trường hợp này phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực.
Hồ sơ cần chuẩn bị để nhận thừa kế đất đai không có di chúc
Căn cứ Điều 40 Luật Công chứng năm 2014, hồ sơ cần chuẩn bị gồm:
- Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu của tổ chức hành nghề công chứng) do người thừa kế ghi đầy đủ thông tin kèm chữ ký.
- Dự thảo Văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế (nếu những người thừa kế có soạn trước văn bản này).
- Giấy tờ tuỳ thân của những người thừa kế (bản sao): Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu còn hạn sử dụng, giấy khai sinh (trong trường hợp là con hoặc cháu… của người chết), đăng ký kết hôn (nếu người thừa kế là vợ, chồng của người chết), giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, sơ yếu lý lịch Đảng viên…
- Giấy tờ tuỳ thân của người để lại di sản (bản sao): Giấy chứng tử của người chết và của những người ở các hàng thừa kế (nếu có).
- Giấy tờ về di sản thừa kế: Sổ đỏ hoặc sổ hồng, đăng ký xe…
Địa điểm thực hiện thủ tục thừa kế đất đai không có di chúc
Do thực hiện thủ tục công chứng văn bản thoả thuận hoặc văn bản khai nhận di sản thừa kế nên người thừa kế cần phải đến tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện. Trong đó, người thừa kế có thể lựa chọn một trong hai tổ chức:
- Văn phòng công chứng.
- Phòng công chứng.
Lưu ý: Phải đến tổ chức hành nghề công chứng nơi có đất để thực hiện thủ tục này.
Trình tự thực hiện chia thừa kế đất đai không có di chúc
Để công chứng trong trường hợp này, trình tự, thủ tục thực hiện gồm:
Bước 1: Người thừa kế chuẩn bị và nộp đầy đủ hồ sơ
Bước 2: Công chứng viên kiểm tra, xem xét đầy đủ hồ sơ, giấy tờ; nghe và xem xét trường hợp chia thừa kế của người yêu cầu công chứng và đưa ra quyết định:
- Tiếp nhận, thụ lý và ghi vào sổ công chứng.
- Từ chối công chứng.
- Yêu cầu người thừa kế bổ sung giấy tờ, tài liệu còn thiếu.
Bước 3: Công chứng viên phải soạn thảo văn bản niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người chết. Nếu nơi này và nơi có đất khác nhau thì công chứng viên còn cần phải niêm yết tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất.
Trong văn bản thông báo niêm yết, cần phải có đầy đủ các nội dung: Họ tên người để lại di sản, người thừa kế; thông tin về di sản thừa kế, thời gian bắt đầu niêm yết và thời gian kết thúc niêm yết…
Việc niêm yết này được thực hiện trong 15 ngày làm việc.
Bước 4: Sau khi nhận được kết quả niêm yết từ Uỷ ban nhân dân cấp xã, công chứng viên sẽ hướng dẫn người thừa kế ký vào một trong hai văn bản: Thoả thuận phân chia di sản hoặc khai nhận di sản nếu không có khiếu nại, tố cáo về nội dung chia thừa kế.
Bước 5: Công chứng viên đối chiếu bản chính với bản sao giấy tờ đã được người yêu cầu công chứng nộp trước đó. Nếu đầy đủ hồ sơ thì ký xác nhận vào từng trang của văn bản chia thừa kế, ký tên vào lời chứng và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Thời gian thực hiện công chứng là từ 02 - 10 ngày làm việc không kể thời gian xác minh, niêm yết thông báo và nhận kết quả niêm yết.
LIÊN HỆ LUẬT KHANG TRÍ:
Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý tận tâm, chuyên nghiệp, hệ thống tổng đài của chúng tôi luôn phục vụ 24/24h nhằm mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Hotline: 0983 198 382
Email: luatkhangtri@gmail.com
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả.